Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

bút ký




sông ba đôi bờ


Nguồn gốc của các nền văn minh trên thế giới đều khởi phát từ các dòng sông. Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cho dòng sông Ba mà vùng hạ lưu là nơi từng phát tích một nền văn minh phát triển khá rực rỡ. Nền văn minh của người Chăm-pa. Sông Ba được ghi vào trong bản đồ của Ptolemée-một sử địa gia Hy Lạp về thế kỷ thứ hai và mang tên Dairios*. Dọc sông Ba ngày nay còn phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hoá Chăm như phế tích Thành Hồ ( Hoà Định Đông), tháp Núi Bà ( Hoà Phong) và Tháp Nhạn-lâu nay được xem là biểu tượng của thành phố Tuy Hoà. Kết quả khảo cổ ban đầu phế tích Thành Hồ do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Phú Yên tiến hành mới đây cho thấy nền văn minh này có niên đại từ thế kỷ V-VII. Nếu lấy mốc thời gian cuối thế kỷ II ( 192) là thời điểm thành lập nhà nước của tộc người Chăm và cuối thế kỷ XVI ( 1578) vùng đất này sáp nhập vào cộng đồng chung lãnh thổ dân tộc cho đến nay thì dòng chảy của lịch sử đã đi suốt chiều dài của hơn 18 thế kỷ và tạo nên diện mạo của vùng đất Phú Yên.
Sông Ba phát nguyên từ đỉnh núi Ngọc Rô cao trên 1500 mét thuộc tỉnh Kon Tum, vòng cung chảy xuống qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên rồi đổ ra cửa Đà Diễn, hoà nhập với biển Đông. Đoạn từ Mặt Hàn trở xuống gọi là Đà Rằng. Nhiều người đã ví sông Đà Rằng như một dải yếm lụa trang điểm cho sự duyên dáng của vùng châu thổ Tuy Hoà. Nhưng về mặt kinh tế, sông Ba-Đà Rằng có ý nghĩa vô cùng lớn. Với chiều dài trên 350 cây số từ thượng nguồn đổ về, sông Ba mang theo tinh lực của đại ngàn trùng điệp về bồi đắp cho sự màu mỡ của đồng bằng. Đôi bờ xuôi theo dòng chảy của sông là những làng mạc sầm uất. Con sông đã nuôi lớn tâm hồn biết bao thế hệ ở vùng đất mà từng được ca ngợi là xứ sở của cơm trước mặt, cá sau lưng. Là vùng của đất phú trời yên.
Không biết tại sao cứ mỗi lần xuôi ngược bên sông Ba là tôi lại nghĩ về chiến dịch đường 5. Có lẽ trong trận chiến này người thân của tôi, người thân của bạn bè tôi và nhiều người nữa đã ngã xuống. Có lẽ đây là trận chiến ác liệt nhất và có quy mô lớn nhất của quân và dân Phú Yên. Hay là trận chiến có ý nghĩa quan trọng trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, phá vỡ chiến lược co cụm, cố thủ duyên hải miền Trung của quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Cũng có thể là do tất cả. Nhưng vì lẽ nào đi nữa thì chiến thắng đường 5 cũng là niềm tự hào của quân và dân Phú Yên, là một dấu son trong trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc mà mỗi người dân trên mảnh đất này đều không được quên. Sông Ba như tấm lòng người mẹ, lặng lẽ chứng kiến những thăng trầm dâu bể, xoa dịu nỗi đau chiến tranh và ghi nhận chiến tích hào hùng của mảnh đất và con người nơi đây.
Đã gần 30 năm kể từ thời điểm diễn ra trận chiến đưòng 5 nhưng đồng chí Chín Cao-người bí thư tỉnh uỷ năm xưa vẫn nhớ như in từng chi tiết của chiến trường này. Mùa xuân năm 1975 cục diện chiến trường có những chuyển biến có lợi cho ta. Bộ chính Trị nhận định có thể sẽ tổng tiến công giải phóng miền Nam trong năm 1975-1976. Phú Yên được chỉ đạo chuẩn bị chiến trường và giải phóng vùng đồng bằng của tỉnh. Vì vậy khi quân chủ lực tấn công Buôn Mê Thuộc ngày 10/3 thì lực lượng của tỉnh đánh hai huyện Tuy Hoà 1 và Tuy Hoà 2. Sau khi Buôn Mê Thuộc thất thủ, ngày 14/3 Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố bỏ Tây Nguyên rút về lập phòng tuyến cố thủ vùng đồng bằng duyên hải miền Trung chờ thời cơ tái chiến Tây Nguyên. Đây là cuộc rút quân có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược quân sự, vì vậy Thiệu cử tướng Trần Văn Cẩm ra Tuy Hoà chỉ huy cuộc rút lui chiến lược. Nhận định được ý đồ của địch, với mục tiêu là tiêu diệt và bắt gọn đội quân từ Tây Nguyên xuống, Bộ Tư lện Quân khu V của ta đưa sư đoàn 3 chốt chặn đường số 19 ( Quy Nhơn-Gia Lai) và sư đoàn 10 chốt chặn đường 21 (Ninh Hoà-Buôn Mê Thuộc). Đây là hai con đường chiến lược từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Nhưng để tạo yếu tố bất ngờ cho quân giải phóng, tướng Cẩm không thực hiện di chuyển quân theo hai con đường này mà đi theo đường số 7-là một con đường nhỏ. Sở Chỉ huy tiền phương của Phú Yên thấy rằng khó có khả năng địch di chuyển theo đưòng số 7 vì đường này rừng núi rất khó đi, không phát huy được sức mạnh cơ giới và vũ khí hiện đại nếu gặp quân giải phóng. Hơn nữa cứ điểm Núi Tranh tại xã Hoà Quang để kiểm soát đường 7 và yểm trợ cho quân Tây Nguyên đã bị ta tiêu diệt. Vì vậy khi quân Tây Nguyên di chuyển đến gần Củng Sơn thì rất lúng túng. Trong khi đó Sở Chỉ huy tiền phương của ta phát hiện địch dùng công binh và máy bay chở vật dụng bắt cầu phao qua sông Ba. Đồng thời chúng tăng cường lực lượng pháo từ Cầu Cháy lên cứ điểm Hòn Kén-xã Hoà Phong. Cùng lúc này bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nắm bắt được một bức điện của tướng Phú-Tư lệnh vùng II chiến thuật có nội dung:” Cử một Đống Đa ủng hộ, đi cùng một chim én nghiên cứu con rồng xanh để le lưỡi qua con rồng xanh”. Từ bức điện này ta càng nắm chắc hơn việc địch sẽ vượt sông Ba theo đường số 5 di chuyển về thị xã Tuy Hoà.
Tôi hỏi:-Thưa bác, vậy là ta không theo đúng lệnh của quân khu là chốt chặn đánh địch ở đường số 7?
- Theo lệnh của trên chứ? Vẫn bố trí lực lượng chốt giữ đưòng số 7 nhưng chủ yếu là tập trung ở đường 5 và đúng là địch đã di chuyển theo đường 5.
Tại nhà riêng ở số 513 đường Trần Hưng Đạo, thị xã Tuy Hoà, đại tá Trần Văn Mười-nguyên trưỏng ban tác chiến của tỉnh đội Phú Yên trong chiến dịch đường 5 cũng hào hứng kể về 7 ngày đêm ác liệt ở chiến trường đường 5. Đối với ông, 18 tuổi vào bộ đội, từng chỉ huy và tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ nhưng trận đường 5 là trận đánh lớn nhất và có nhiều ý nghĩa. Tôi hỏi ông:
-Với chiến dịch đường 5, lực lượng ta chỉ là bộ đội địa phương với số lượng ít hơn nhiều lần so với địch, lúc đó ta có tin chắc rằng sẽ thắng?
-Đó là điều đáng nói!
Đôi mắt của vị đại tá dạn dày trận mạc, từng lăn lộn khắp các chiến trường ở Phú Yên chợt nhìn về một nơi xã xôi nào đó. Ông phân tích: địch di chuyển chiến lược sau khi thất thủ ở Buôn Mê Thuộc là tâm lý đã dao động. Đã rút lui tức là thất bại. Mặc dù rút lui chiến lược nhưng chiến thuật không rõ ràng. Từ kế hoạch di chuyển theo đường 7 nhưng chuyển sang đường 5 chắc chắn địch sẽ không chủ động được trong việc đánh giá đối phương. Còn ta là người chủ động bố trí chiến trường, đánh giá đúng địch, chỉ huy linh hoạt và vận dụng chiến tranh nhân dân. Từ những yếu tố này nên ta tin tưỏng sẽ thắng địch.
Đêm 19/3 ta đã tiêu diệt hàng loạt các cứ điểm, quét sạch địch ở 5 xã là Hoà Thịnh, Hoà Đồng, Hoà Tân, Hoà Phong và Hoà Mỹ. Đánh lui các đợt phản kích của địch từ Tuy Hoà lên, từ Nha Trang ra để đón quân Tây Nguyên xuống. Ta đã làm chủ hơn 10 cây số của đường 5. Lúc này ngoài lực lượng tại chỗ, quân Tây Nguyên xuống đã vượt cầu phao sang đường 5 gồm 20.000 quân với 2000 xe quân sự cùng vũ khí, đạn dược của một đội quân chuyên nghiệp. Với sự tương quan lực lượng rất lớn nên ta không để các lực lượng địch gặp nhau mà chia cắt để tiêu diệt. Trận đánh mở màng cho chiến dịch đưòng 5 để tiêu diệt quân Tây Nguyên xuống là chiều ngày 19/3 khi địch cho 5 xe bọc thép từ Hòn Kén chạy xuống. Ta đã tiêu diệt cả 5 xe này buộc địch phải dừng cả đoàn quân và xe pháo. Thất bại đầu tiên khi đến đưòng 5 làm cho tướng Trần Văn Cẩm vô cùng hoảng sợ. Chúng không biết lực lượng nào tấn công. Tướng Cẩm thúc giục tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia tăng cường phản kích từ nhiều hướng để mở đường máu cho quân Tây Nguyên rút xuống nhưng không thành công. Vì vậy từ cuộc di chuyển chiến lược đã trở thành cuộc tháo chạy của quân Tây Nguyên. Không di chuyển được bằng quân sự, địch dùng hơn 350 xe hon- da cải trang làm thường dân để tháo chạy. Mỗi xe hon-da chở 3 người kẹp theo súng hòng đánh lừa quân cách mạng nhưng ta đã phát hiện tiêu diệt và bắt sống hơn 420 tên. Trước tình hình này, tướng Phú-Tư lệnh vùng II chiến thuật đi máy bay thị sát chiến trường và tìm cách để tiêu diệt bộ phận chỉ huy chiến dịch của ta. Tướng Phú dùng điện đàm gọi cho sở chỉ huy của ta để định vị mục tiêu cho không quân ném bom.
Tướng Phú:
-A lô! Cho tôi gặp chỉ huy cao nhất của các ông!
Ông Mười:
-Ông có thể nói với tôi.
Tướng Phú:
-Các ông cần nhân đạo, để cho nhân dân đi về thị xã Tuy Hoà!.
Tắt máy.
Sau cuộc trao đổi ngắn này, mạng kỹ thuật vô tuyến của ta nghe được tướng Phú ra lệnh cho lực lượng không quân nguỵ:
- Cho chim én ỉa tại…!
-Ỉa lỏng hay đặc?
-Lỏng!
Ỉa “lỏng” là đánh bom xăng, còn “đặc” là bom công phá.
Sở chỉ huy của ta lập tức di chuyển khỏi vị trí cũ. Vừa lúc đó không quân địch oanh tạc băm nát cả núi Hương-nơi sở Chỉ huy chiến dịch đang đóng. Có một loạt bom xăng đã đánh trúng hầm của đồng chí Chín Cao nhưng đồng chí đã vừa kịp di chuyển sang nơi khác.
-Thật hú hồn! Hiện nay trên núi Hương vẫn còn dấu 3 hố bom xăng đó!- ông Mười lau mồ hôi trán nói.
Sau trận oanh tạc để tiêu diệt Bộ chỉ huy chiến dịch của ta nhưng không thành công, địch tiếp tục tìm mọi cách để tháo chạy. Ác liệt nhất là trong những ngày 21, 22, 23/3, địch huy động tất cả các lực lượng bộ binh, không quân, pháo binh…để mong mở được đường máu cho quân Tây Nguyên tháo chạy về thị xã Tuy Hoà. Trận địa đường 5 bị bom đạn cày tan hoang không còn một ngọn cây, cọng cỏ nhưng ta vẫn giữ vững trận địa để đánh địch. Đến ngày 24/4, quân chủ lực của ta theo đường 7 bám đuôi địch đánh xuống, cùng tiểu đoàn 96 đánh lên đã giải phóng Củng Sơn và vượt sông Ba đánh giải phóng huyện Phú Đức ngày 25/3 rồi đuổi địch theo đường 5. Địch cho cắt cầu phao để chặn đường quân chủ lực làm cho rất nhiều binh lính và xe cộ của chúng rơi xuống sông chết đuối. Lúc này đội hình quân Tây Nguyên tan tác thảm hại, mạnh ai nấy trốn chạy. Nhân dân các xã trong vùng nổi lên bắt tù binh giao cho quân cách mạng. Trong số tù binh này có cả đại tá Đồng là lữ đoàn trưởng thiết giáp của quân Thiệu. Chiến dịch đưòng 5 ta đã chiến thắng hoàn toàn.
Chiến thắng đường 5 là ta đã phá vỡ được chiến lược co cụm cố thủ tuyến duyên hải niền Trung, làm đảo lộn thế trận của Nguyễn Văn Thiệu và tạo ra lực rất lớn, để sau đó ta giải phóng thị xã Tuy Hoà rồi giải phóng toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975. Rồi cùng với cả nước thực hiện thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975.
Ngừng tiến súng, những người con chiến sĩ của quê hương trở về cây dựng cuộc sống mới từ trong đống đổ nát. Chiến công nào mà không gắn với những đau thương mất mác? Qua gần 30 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, đau thương mất mác vẫn còn chưa xoá hết trong lòng mỗi con người nhưng các làng quê dọc sông Ba màu xanh đã trở lại. Đường số 5-Ác địa một thời nay được xây dựng to đẹp và trở thành con đường phát triển kinh tế, nối đồng bằng Tuy Hoà với huyện mới Sông Hinh rồi lên Đắc Lắc…Khu vực thuỷ điện Sông Hinh nằm trong trận địa đường 5 xưa. Nhà máy đưòng Đồng Bò là nơi ta chốt chặn, phục kích quân Tây Nguyên trên đường rút chạy. Vùng bãi lầy gần bến đò Tịnh Sơn là nơi địch bắt cầu phao cho quân Tây Nguyên từ đưòng số 7-Sơn Hoà sang đường số 5, nay đang được xây dựng công trình thuỷ điện Sông Ba Hạ. Sông Ba-“con rồng xanh”-như mật danh của không quân địch thời chiến tranh đang chuẩn bị hoá thân thành nguồn sáng và năng lượng cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Các con đường số 5-nay là ĐT 645 và đường số 7-nay là Quốc lộ 25 ngày càng đóng vai trò huyết mạch trong mối quan hệ liên kết phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng. Phú Yên sẽ ngày càng khẳng định vai trò trong khu vực khi các con đường này được nâng cấp cùng với việc xây dựng tuyến đường sắt, đường ống dẫn dầu dọc theo lưu vực sông Ba, thành tuyến giao thông giữa Phú Yên với Tây Nguyên và xuyên quốc gia, tạo nên một hành lang kinh tế lớn giữa các nước khu vực Đông Nam Á như Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan…
Sóng gió đã đi qua. Sông Ba ngày nay như mặt gương soi bóng những làng quê trù phú. Sông vẫn cần cù cái dòng chảy ngàn đời để bồi đắp cho châu thổ. Một tiếng cá quẫy trong chạng vạng chiều hôm làm nao nao mặt sóng. Tôi bỗng nhớ bài thơ “Những dòng sông” của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Những câu thơ về một dân tộc anh hùng của một thời đại anh hùng:
"...Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông!"
Các nền văn minh của nhân loại đều khởi nguồn từ những dòng sông. Những người anh hùng được sinh ra bên các dòng sông và Phú Yên có một dòng sông Ba.

Tuy Hoà, tháng 4/2005- Trí Thanh


* Theo “ Non nước Phú Yên” của Nguyễn Đình Tư-NXB Thanh Niên 2004

bút ký


MUỐI ƠI!...


Lại một năm nữa dân làm muối ở Tuyết Diêm-huyện Sông Cầu phải gặp cảnh lao đao. Cái nghề đầy khổ nhọc để chắt chiu tinh túy của trời đất đem vị mặn cho đời mà thường phải nhận lấy sự bạc bẽo của nó. Làng muối lại có thêm nhiều người bỏ nghề. Ông Nguyễn Kim Phụng - diêm dân của Tuyết Diêm mặt buồn rười rượi nói: " Giá muối liên tục rớt từ 350 đồng xuống 300 đồng, rồi còn 200 đồng một ký. Lỗ nặng!".
Hai tiếng "Lỗ nặng" của ông
Phụng nghe nặng trịch như một dấu chấm hết. Nó khái quát kết cục của những vụ muối thất bát và giá muối không ra gì. Nó như cũng dự báo một quyết định nào đó của ông đối với nghề. Liệu một người sinh ra trên đồng
muối, hơn 50 năm gắn bó với muối như ông có tính bỏ nghề?
Muối Tuyết Diêm từ xưa nổi tiếng là tốt về chất lượng. Hạt muối trắng và chắc, không thua kém muối của các nơi khác như Sa Huỳnh, Hòn Khoí hay muối Mũi Né nên được người tiêu dùng trong khu vực ưa chuộng. Nhưng do sản xuất theo lối thủ công năng suất thấp, giá thành cao hơn những chỗ khác mà muối khó bán. Sản lượng toàn vùng chỉ khoảng 12 ngàn tấn mỗi năm mà dù bán đổ bán tháo cũng còn tồn từ 6 -7 ngàn tấn. Bởi vậy mà diêm dân cứ hớt hải lo tìm nguồn tiêu thụ, ngay ngáy lo đến hạn trả nợ ngân hàng và cuống cuồng lo chạy cái ăn hàng ngày. Những thông tin về dự án nâng cấp, cải tạo đồng muối giai đoạn 2002 - 2010 của UBND tỉnh Phú Yên, dự án xây dựng nhà máy muối Iốt đã được duyệt, dự án về nhà máy tiêu thụ muối sạch 15 ngàn tấn/ năm mà Công ty muối 3 của Đà Nẵng sẽ đầu tư....không ai buồn quan tâm. Họ có lý. Tương lai tốt đẹp cho nghề muối Tuyết Diêm có lẽ còn hơi xa mà họ thì phải lo cho những khó khăn của thực tại.

Những năm gần đây nhiều vùng muối ở nước ta đã dần thay đổi phương pháp làm muối truyền thống, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên có những bước tiến đáng kể về quy mô cũng như năng suất và chất lượng. Nhiều nơi muối được sản xuất theo hướng công nghiệp, sản lượng cao mà chi phí thấp nên dù giá hạ vẫn không sợ bị lỗ. Sản phẩm làm ra không chỉ là mấy món muối tươi, muối hầm mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như muối ớt, bột canh, muối Iốt... hấp dẫn và tiện lợi cho người tiêu dùng. Đời sống càng phát triển thì người tiêu dùng cũng trở nên khó tính - khó tính cả với .... muối! Hạt muối ăn không chỉ là mặn, mà còn phải có hương vị và đẹp về bao bì, mẫu mã. Muối không bị lẫn lộn cát, vỏ sò và tạp chất. Vì vậy đòi hỏi nghề muối phải đầu tư công nghệ để gia công cho sản phẩm mới đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Vùng muối Tuyết Diêm khó khăn về vốn, làm ăn nhỏ lẻ và không nắm bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng nên phải chấp nhận "tụt hậu" và thua lỗ.

Xưa nay người ta cứ tưởng rằng nghề làm muối là dễ có ăn. Chỉ phơi nước đại dương là có tiền. Dân làm muối thì không nghĩ như thế. Khi bước vào mỗi vụ người làm muối phải đắp lại bờ vùng, bờ thửa, làm kênh dẫn nước. Riêng công đoạn làm mặt bằng cho đồng muối phải mất ròng rã từ 12 đến 15 ngày gọi là "làm da". Sau khi cày lên và phân lô, diêm dân mỗi ngày phải dùng đầm đập hai lượt cho đến khi mặt sân thật phẳng, thật cứng như bê - tông. Hạt muối có trắng, có sạch, không bị lẫn lộn đất cát là ở khâu "làm da" này. Đây cũng là khâu nặng nhất trong cả quy trình làm muối. Vì vậy đến bây giờ ở Tuyết Diêm vẫn còn lưu truyền câu ca: "Năm đồng một lát cá thu. Lấy chồng xứ Nại chổng khu đập bờ". Xứ Nại là tên gọi xưa của vùng muối Tuyết Diêm. Ngay cái tên gọi cũng gợi lên sự lam lũ và nỗi niềm của nghề làm muối. Con gái muốn trắng da, dài tóc đừng về làm dâu xứ Nại. Để rồi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Để rồi đỏ tóc đen da, chân trần nứt nẻ. Ấy là nói ngày xưa chứ bây giờ không đến nỗi."Bảo hiểm" cho người thợ trên đồng muối đã được trang bị từ đâù đến chân. Chỉ có cái khổ nhọc là vẫn thế!

Quá trình giọt nước "hóa thân" thành muối cũng phải trải qua nhiều giai đoạn theo sự đạo diễn của con người. Trước tiên phải dẫn nước vào một hồ chứa gọi là hồ "chưá lạt", sau đó đưa vào hồ chứa thứ hai gọi là hồ "chứa châm cào". Chưa xong, từ hồ "chứa châm cào" dòng nước còn phải qua hồ chứa chịu " một", hồ chứa chịu "hai" mới được đưa vào ruộng để phơi thành muối. Quy trình này mất khoảng năm ngày. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm muối phải cẩn thận theo dõi thời tiết, độ mặn các hồ. Nếu sơ suất một khâu nào thì mẻ muối trong năm ngày đó coi như "xôi hỏng bỏng không". Muối không đủ độ chín sẽ không chắc hạt và dễ bị chảy nước. Một vụ muối bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng chín âm lịch. Đây là thời gian nhiều nắng và gió. Người làm muối phải lao động cật lực trong suốt mùa nắng, gió ấy. Mỗi hạt muối vì vậy nó chứa đựng bao nhiêu là mồ hôi, công sức, bao sự cực nhọc, tảo tần của người thợ trên đồng. Thế nhưng có một cái quy luật thật nghiệt ngã với dân làm muối. Đó là năm nào thời tiết tốt, muối được mùa thì giá lại rẻ như ... muối! Khi mất mùa giá mới cao. Giá cao mà không có muối để bán. Vậy thì cũng bằng không. Xưa nay mấy ai làm muối mà giàu! Ông Sáu Thơm hiện là người làm muối cao tuổi nhất ở Tuyết Diêm. Nhà ông làm muối đã ba đời. Từ thuở Tuyết Diêm còn là vùng rừng ngập mặn đầy cây đước, cây bần. Ở tuổi 80 ông vẫn còn chắc nịch và bền bỉ, có thể cùng con cháu cầm trang cào "tung hoành" suốt cả ngày trên đồng muối. Ông đã một đời gắn bó với muối, nếm trải đủ vị mặn của muối lẫn cái mặn của mồ hôi, đến giờ cũng chưa hết trăn trở vì muối. Ông cất cái giọng trầm đục và mặn như ... muối: "Cái mà tôi buồn nhất là con cháu bây giờ cứ rần rần đòi bỏ nghề muối. Nhiều đứa đã đi Sài Gòn làm mướn rồi!". Nỗi lòng của một diêm dân già! Liệu điều đó có đủ thuyết phục lớp trẻ khi chúng đã chán cái nghề "phơi nước" đầy khổ nhọc và luôn bị thôi thúc tìm cơ hội để vượt qua sự nghèo khó?

Ông Sáu bỏ về từ lâu mà tôi vẫn còn ngẩn ngơ giữa mênh mông đồng muối. Buổi trưa nóng hầm hập và trắng đến nhức mắt. Tôi bị hơi mặn của muối ép đầy buồng phổi, làm môi miệng chát đắng. Hóa ra cái chất khoáng rất cần cho sự sống mà ta vẫn nếm hằng ngày lại không dễ chịu chút nào khi nó trở nên quá dư thừa. Bất giác tôi nhớ câu chuyện của người thương binh già ở làng muối kể về những ngày hoạt động trên rừng nhiều lúc phải ăn tro tranh thay muối. Đôi khi hạt muối còn nhuộm cả máu của cán bộ tiếp tế từ đồng bằng lên bị địch phục kích. Mỗi hạt muối quý hơn cả vàng. Ấy vậy mà bây giờ ...
tháng 6/2003-Trí Thanh
* Ảnh trên: Diêm dân Tuyết Diêm trên đồng muối. ( Kim Long)


bút ký


CÓ MỘT CAO NGUYÊN VÂN HÒA...

Ở độ cao hơn 500 mét so với mặt biển, cao nguyên Vân Hòa như có mang một chút khí hậu của vùng ôn đới. Cái nắng hanh hao và hừng hực mùi gió bấc từ hướng đồng bằng lên đã bị chặn lại tại cái nút thắt An Thọ của Tuy An, làm cho mùa hè ở Vân Hòa như đến chậm hơn. Suốt dọc đường đi, dù cố tìm lại hình ảnh quen thuộc của Vân Hòa hơn mười năm trước nhưng khó ai có thể nhận ra. Mấy cây đa hơn trăm tuổi phía trên truông Bà Diên là nơi nghỉ chân của những người đi chợ phiên leng keng nhạc ngựa nay không còn nữa. Trong ký ức của tôi là một Vân Hòa của những con đường gập ghềnh vó ngựa, những căn nhà lá đìu hiu bám trên triền núi, hay mấy xóm nhỏ mà từ xa trông phảng phất đường nét cô thôn trong những tứ thơ cũ. Không gian giàu chất thơ làm hổn hển trái tim thi sĩ :" Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi, Hổn hển như lời của nước mây"
(thơ Hàn Mặc Tử)
Bây giờ tất cả đã đổi thay, đã hiện diện một cuộc sống mới. Không còn những căn nhà lá nằm hiu hắt như mụn vá trên nền xanh của cao nguyên. Trên các trục lộ, từng dãy nhà kiên cố mọc lên. Dân Vân Hòa đã bắt đầu bám đường, bám vào cái mạch máu giao thông để thuận lợi cho sản xuất, lưu thông, tạo bộ mặt mới cho vùng đất này. Đứng trên con đường mới mở rộng đến hai làn xe chạy tôi bỗng nhớ hình ảnh những người dân vùng cao đi sau từng đoàn ngựa thồ. Ì ạch mang đường, bắp, trái cây vượt hàng chục cây số để đến chợ phiên. Để rồi cuối buổi chợ lại ì ạch thồ hàng thiết yếu về nhà. Bóng người, bóng ngựa cứ thất thểu trong sự cần mẫn và cam chịu... Những hình ảnh đó giờ đây còn chăng chỉ là trong nỗi nhớ của kẻ xa quê lâu ngày về thăm cố hương. Để rồi bất chợt à lên: " Quê mình thay đổi nhiều quá!".
Theo lời những người cao tuổi ở đây thì ông cha họ đã định cư tại vùng ba xã ít ra cũng hơn bốn trăm năm. Đâu vào thế kỷ mười bảy, khi mà Phù Nghiã hầu Lương Văn Chánh đem quân đánh dẹp phương Nam và chiêu tập lưu dân lên khai khẩn vùng đất mới theo chiếu của chúa Nguyễn: "Trên từ nguồn di, dưới từ cửa bể". Những lưu dân này nguyên là binh sĩ của chúa Trịnh trong số ba vạn tù binh bị bắt năm Mậu Tý-1648 . Họ là những người gốc Thanh-Nghệ..nên từ đó hình thành nên các làng mạc với tên gọi phỏng theo quê cũ như phường Hòa Linh, phường Vân Khương, Tân Lập Vân Hòa thôn rồi Vân Hòa trong tổng Sơn Xuân gồm ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân mà ngày nay thường gọi là vùng Vân Hòa. Như vậy những cư dân Việt đầu tiên có mặt ở vùng đất trấn biên của một thời này đã lâu. Trải qua bao thăng trầm, đổi thay của thế cuộc để rồi thành quê hương. Để rồi cắm rễ trên đất này đời đời kiếp kiếp. Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của những chiến công để giữ đất và mở đất. Con người gắn với đất và làm nên cái hồn của đất.
Bí thư xã Sơn Định Nguyễn Văn Bồng không giấu niềm tự hào: " Dân ba xã của chúng tôi là dân cách mạng. Không chỉ trong chiến tranh mà cả trong công cuộc xây dựng nhân dân cũng đoàn kết một lòng! Chúng tôi sẽ cùng nổ lực để rút ngắn khoảng cách với đồng bằng!". Vùng Vân Hòa hiện có trên 11.300 hec - ta đất sản xuất, trong đó có 9.000 héc ta đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng tái sinh sau nương rẫy. Đến 80% là đất đỏ bazan. Vì vậy có thể trồng cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi. Hiện nay ngoài cây mía địa phương đang triển khai dự án trồng cao su. Qua trồng thử nghiệm cho thấy cây cao su phát triển rất tốt, các chuyên gia đánh giá cao chất lượng mủ.
Qua nhiều thập kỷ thử nghiệm, thử nghiệm rồi thử nghiệm bao nhiêu loại cây mà không mang lại hiệu quả nên nhân dân rất ngại khi nghe triển khai một loại cây trồng mới, thế mà với cây cao su thì người dân tin lắm. Đối với họ đây có thể là cơ hội để thoát nghèo. Để những người nông dân hàng ngàn đời gắn với cái cày, con bò có thể đổi thay, trở thành những công nhân nông nghiệp trong thời đại công nghiệp. Hiện có đến vài trăm hộ xin trồng cây cao su.
Anh Đinh Văn Hoàng, chủ tịch xã Sơn Long là một người nhanh nhẹn và từng trải. Cái chất quân sự của con nhà lính trong anh thể hiện rõ trong cách nói và việc làm. Anh dành gần hai giờ đồng hồ để nói với chúng tôi về kế hoạch phát triển của xã, về những dự tính tương lai để cao nguyên Vân Hòa trở thành "con rồng " phía tây của tỉnh. Đã có dịp đến nhiều tỉnh Tây Nguyên, tìm hiểu con đường phát triển của họ tôi nhận thấy xuất phát điểm của họ cũng có những nét tương đồng như Vân Hòa. Nhưng họ đã mạnh dạn bước ra khỏi nền nông nghiệp truyền thống lạc hậu để chuyển hướng sang cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Việc xác định chuyển hướng của Vân Hòa là chậm nhưng dẫu sao cũng chưa phải là muộn. Theo anh Hoàng, vùng Vân Hòa đã có hai bước đột phá trong phát triển. Đó là năm 1979 ở đây được xây dựng nông trường cà phê, nhờ đó giúp cho dân ba xã biết được cái giá trị đất đỏ bazan và bỏ tập quán độc canh cây lúa, nhưng thực sự đánh thức vùng đất này là các chương trình đầu tư của nhà nước. Đối với một vùng đất còn nhiều gian khó như Vân Hòa nếu không có sự đầu tư của nhà nước thì việc xóa đói còn khó nói gì đến giảm nghèo, đến phát triển! Các chương trình 327, chương trình trung tâm cụm xã, chương trình 135.... bằng tiền tỷ đã truyền cho Vân Hòa một sức sống mới. Trong một lần làm việc gần đây với chủ tịch huyện Sơn Hòa Trương Phước Cường, anh cho biết: " Mới năm 1998 GDP của ba xã chỉ chiếm chưa được 8% trong tổng GDP của huyện, đến 2002 đã lên được 11%. Dự ước đến 2005 GDP của ba xã sẽ chiếm tỷ trọng 20% trong cả huyện". Cái bước vọt 9% trong khoảng thời gian chưa đầy hai năm nữa nói thì đơn giản nhưng để thực hiện được là cần bao nhiêu vấn đề. Nhưng tôi tin là Vân Hòa sẽ làm được nếu phát huy có hiệu quả các nguồn lực điạ phương với sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Nếu các chương trình đầu tư đúng hướng và có kế hoạch. Đồng tiền rót thẳng tới đất mà không bị "khúc xạ", không bị " rơi rớt" dọc đường.
Trong chuyến đi Vân Hòa lần này tôi có một quyết tâm là phải đến cho được thôn Hòa Ngãi của bà con đồng bào dân tộc Chăm. Đây là thôn mà lâu nay được xem là tiêu biểu ở huyện Sơn Hòa về thực hiện định canh định cư, về tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương. Quả thật nếu không có nóc nhà rông văn hóa tôi không nhận ra đây là thôn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thôn được quy hoạch khá hiện đại. Có đến 80% là nhà ngói và cần ăng-ten cao vút để bắt sóng truyền hình. Bằng cái giọng đều đều như hát Khan, già làng Ma Gộp kể về những gian nan của cái thời sống du canh du cư (có lẽ ông đã kể hàng trăm lần về chuyện này). Cái kiểu sống mà "Lửa bén tới đâu ăn tới đó" nhưng cũng chỉ được một hai mùa lại phải dắt díu nhau đi. Cuộc sống du canh du cư cứ như lớp đất rừng bị bợt bạt sau mỗi mùa mưa lũ. Đến quá nửa đời người ông và bà con mới cắm làng cố định tại vùng đất này và tạo dựng cuộc sống như ngày hôm nay. Gương mặt Ma Gộp vẫn chưa phai hết nét khắc khổ nhưng cái bụng đã yên. Tôi nhìn thấy đôi mắt ông sáng rực lên một niềm tin.
Buổi trưa trên cao nguyên thật dễ chịu. Cái nắng đầu hè vàng như mật chảy suốt lên màu xanh trù phú của cây trái, của những ruộng mía đến kỳ thu hoạch. Đất và nắng cao nguyên làm cho cái màu xanh thêm óng ả. Đẹp như một tấm thảm lụa mà hơn một ngàn hộ dân vùng ba xã đã cần mẫn, chắt chiu dệt suốt trong 28 năm qua mà từng mũi chỉ, đường kim thấm đẫm tình đất tình người. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi như nghe vọng lại tiếng vó ngựa xa xưa của Phù Nghĩa hầu trên đường đi mở đất. Đất không ngủ, đất đang cựa mình trong cuộc sinh hạ cho cái màu xanh thảo mộc vĩnh hằng. Và từ trong cái màu xanh bạt ngàn, từng dòng nhựa li ti vẫn chảy trong mỗi thân cây....

tháng6/2003-Trí Thanh