Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

thời sự-suy nghĩ

Địa ngục quá gần ta


Chuyện em gái Nguyễn Thị Bình bị hành hạ tra tấn và bắt làm việc như một nô lệ thời hiện đại trong suốt 13 năm trời đã xảy ra ngay tại một quận nội thành của Hà Nội - quận Thanh Xuân, và có lẽ đã diễn ra trước mắt không ít người. Có thể là hàng xóm, có thể là người có quan hệ làm ăn buôn bán với vợ chồng hàng phở này, trong suốt 13 năm có một đứa bé gái bị đánh đập tàn nhẫn hằng ngày ngay trước mắt họ, nhưng không ai dám nói gì, có hành động gì ngăn chặn sự dã man khó tưởng tượng ấy.
Cho tới khi có một, rồi hai người: bà Bình "bò" và chị Oanh, không chịu nổi khi phải nhìn cảnh "địa ngục trần gian" ngay trước mắt mình cứ thản nhiên tái diễn, đã đồng lòng cứu và bí mật đưa em Bình bỏ trốn. Tới khi đó, báo chí phát hiện và vào cuộc, còn mọi người thì thở phào ra:"Khủng khiếp quá!". Vâng, nhưng khủng khiếp nhất là khi một chuyện khủng khiếp như thế lại xảy ra như một chuyện "đời thường" suốt 13 năm trời ngay giữa thủ đô mà gần như không có ai thấy đó là chuyện khủng khiếp.
Chúng ta đang sống thời hiện đại, đang sống trong cơ chế thị trường với vô vàn quan hệ phức hợp và phức tạp, đúng thế, nhưng liệu cuộc sống bây giờ có khiến chúng ta chai mòn vô cảm trước nỗi đau của trẻ nhỏ, nỗi đau của người nghèo khổ đến thế không? Ở một xã hội thượng tôn pháp luật, những hành động lăng nhục đánh đập con người một cách dã man như vậy sẽ lập tức bị chính những người láng giềng, hàng xóm phát hiện, và họ sẽ lập tức báo tin cho cảnh sát. Nhưng ở ta, khi người ta "sợ" pháp luật thì ít mà sợ những kẻ vi phạm pháp luật thì nhiều hơn, và nhất là khi nếu có người dám đứng ra tố cáo những tội ác như của vợ chồng hàng phở nọ, thì sẽ có cơ quan cảnh sát đặc biệt nào đứng ra tiếp nhận và xử lý ngay những thông tin ấy? Đó mới là điều cần bàn. Vì một khi người dân không dám báo cáo những chuyện như thế với công an khu vực, với công an phường chẳng hạn, là do họ sợ "nhà hàng phở" kia vừa lắm tiền vừa ngoa ngoắt có thể sẽ "đổi trắng thay đen" và "tố ngược" gây tai họa cho họ, thì sao? Ai bảo vệ những người dân trung thực dám tố cáo cái xấu cái ác trong những hoàn cảnh như thế ? Khi địa ngục quá gần ta, ma vương tiểu quỷ cũng quá gần ta, mà sự che chở của pháp luật lại ở hơi xa hoặc còn mờ ảo, khi những người lương thiện và trung thực chưa thể liên kết thành một sức mạnh, thì chuyện em Bình bị hành hạ man rợ suốt 13 năm trời mới nghe thật khủng khiếp, nhưng nghĩ kỹ, lại là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Dù trong mỗi khu phố đều có "tổ dân phố" về hình thức là quản lý khá chặt chẽ, nhưng một khi những tổ chức chính quyền cơ sở như thế bị "quan liêu hóa" hay chỉ tồn tại trên hình thức, thì thật khó cho người dân lương thiện dựa vào đó để thể hiện có hiệu quả sự lương thiện, thái độ không chấp nhận cái xấu cái ác của mình.
Tôi còn nhớ, cách đây chưa lâu, ngay tại thị xã Quảng Ngãi của tôi cũng đã có trường hợp một người em cựu chiến binh bị bệnh tâm thần đã "được" gia đình người anh ruột "nhốt xà lim" theo đúng nghĩa đen trong suốt 10 năm. Điều lạ lùng là cả chính quyền, tổ chức cựu chiến binh hay đoàn thể mặt trận phường, khu phố tại địa phương đều không hay biết(?). Cho tới khi báo chí phát hiện ra. Nên tôi nghĩ, trường hợp em Nguyễn Thị Bình chính là hồi chuông cảnh báo không chỉ là sự vô cảm đang cư ngụ trong mỗi người chúng ta, mà còn cảnh báo về sự thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng, về sự bất lực do bị "quan liêu hóa", "xơ cứng hóa" của những tổ chức chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật ở cơ sở. Khi người dân lãnh cảm trước cái xấu cái ác, khi sự bất công và bạo ngược dám hành xử một cách công khai, đây đó còn thách thức cả pháp luật, thì khi đó "địa ngục chỉ cách ta ba bước".


Tháng 11/2007, Thanh Thảo

tản mạn

Xông đất - nét đẹp văn hóa ngày
xuân
tản mạn

Hàng năm, khi ngoài Bắc hoa đào bắt đầu đỏ thắm và phương Nam hoa mai vàng xòe cánh rực rỡ thì tất cả mọi người từ thượng lưu quý tộc cho đến hạng nghèo hèn đều tạm thời gác lại chuyện gạo-tiền-cơm- áo đểû lo cho ba ngày tết. Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất đã cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Gột bỏ những điều rủi ro trong năm cũ, cầu mong và đón nhận vạn sự tốt lành của năm mới. Người dân quê tôi quan niệm vào thời điểm trời đất giao hòa-lúc bắt đầu chuyển từ năm cũ sang năm mới nếu có hiện tượng gì xảy ra với mình thì cái đó nó sẽ ứng vận vào mình suốt cả năm. Vì vậy trong đêm trừ tịch càng gần đến thời khắc giao thừa mọi hoạt động , ăn nói cả trong suy nghĩ cũng được mọi người hết sức thận trọng, kẻo sơ suất điều gì thì sẽ gặp xui xẻo cả năm. Cũng vì thế người ta rất quan tâm đến những vị khách đầu tiên đến nhà mình, những người đến xông đất đầu năm. Người đó có thể sẽ mang đến sự may mắn hay rủi ro trong năm. Tôi nhớ ngày còn bé, từ đầu tháng Chạp ta là lũ trẻ con chúng tôi bắt đầu rạo rực chờ tết. Đến ngày 23 tháng Chạp sau khi tiễn Ông Táo về trời để báo cáo tình hình đời sống dân tình hạ giới trong năm là không khí chuẩn bị tếùt bắt đầu khắp đường làng ngõ xóm. Mẹ tôi lăng xăng lo làm bánh trái, hùn hạp thịt heo với bà con lối xóm... cha tôi cẩn thận vén lại gốc mấy khóm hoa vạn thọ, hoa cúc và bắt đầu phấp phỏng không biết năm nay ông tôiù đến nhà có sớm không. Ông tôi tuổi cao và đẹp lão như ông Thọ trong bức tranh Phước-Lộc-Thọ mà cha tôi mới mua treo trong nhà còn thơm mùi mực tàu. Thường ngay sau giao thừa là ông lần lượt đến từng nhà con cháu. Không chỉ có nhà tôi mà hầu như cả làng ai cũng mong ngày đầu năm được ông tôi đến nhà để năm mới được sức khỏe và may mắn. Mặc dù phải thức khuya để đón giao thừa nhưng anh em chúng tôi không đứa nào chịu đi ngủ, cùng háo hức chờ tiếng gậy lộc cộc của ông tôi để được nũng nịu sà vào lòng vuốt chòm râu bạc và nhận những chiếc phong bao xinh xinh với cái xoa đầu âu yếm và lời chúc mau lớn, học giỏi. Bây giờ chúng tôi đã lớn lập gia đình và đi làm xa nhà nhưng hàng năm vẵn về quê ăn tết . Ông tôi tuổi càng cao không còn khỏe để mang niềm vui đến cho con cháu trong ngày đầu năm nhưng tôi vẫn không quên tiếng gậy của ông gõ lộc cộc trên nền sân gạch sau phút giao thừa... Người Việt Nam ta thường có tục lệ sau giao thừa là mở cửa chọn hướng xuất hành. Tùy theo tuổi tác mà chọn đi các hướng Đông-Tây-Nam hay Bắc (ấy là nói ở vùng nông thôn đường sá rộng rãi chứ không như ở phố chật chội khó thực hiện hướng xuất hành). Có người kỹ tính còn phải chọn bước chân phải hay chân trái trước, tiếp đến là hái lộc đầu năm và xông đất. Người ta quan niệm xông đất là để đón nhận may mắn. Thường những người đến xông đất phải là ngẫu nhiên không được gia chủ dạm trước thì mới linh. Người ta muốn người đến xông đất nhà mình là người mau mắn, hợp tuổi với gia chủ , thành đạt về công danh hay trong làm ăn đêû mang tài lộc đến. Và phải là người vai vế ở trên, hoặc là vai vế xã hội, hoặc làtuổi tác, cùng lắm là đi ngang, tức là ngang hàng về tuổi tác hay vai vế chứ không có chuyện người vai vế thấp đến xông đất nhà kẻ trên. Ở quê tôi người đến xông đất còn phải mang đến tài, lộc để mừng Tân niên cho gia chủ, cầu chúc cho gia chủ trong năm mới gặp nhiều may mắn, thường mang theo một chút tiền nhỏ đêû mừng tuổi trẻ con, chí ít cũng là những lời chúc tốt đẹp. Những người gia cảnh khó khăn, đạo đức không tốt hay gia đình đang có chuyện buồn thì phải kiêng cữ trong những ngày tết, đặc biệt là không nên đi xông đất nhà người ta. Ngày nay đời sống xã hội càng phát triển thì cách thức xông đất đầu năm cũng "hiện đại" hơn. Ở vùng nông thôn người ta vẫn còn giữ tục đến thăm nhau trong ngày đầu năm nhưng thường là gia chủ dạm nhờ trước người đếùn xông đâùt nhà mình. Còn ở thị thành người ta có thể nhất điện thoại đến địa chỉ nào đó để chúc phúc đầu năm cũng được xem như xông đất. Tục xông đất đầu năm là một quan niệm hay, một nét đẹp văn hóa trong ngày đầu xuân nhưng nó cũng có nhiều phiền phức. Nếu gia đình nào đó trong năm gặp rủi ro thì đổ lỗi cho người xông đất, hoặc người đến xông đất năm đó gặp nhiều may mắn thì bị xem là lấy hết lộc của gia chủ, có không ít trường hợp xảy ra xích mích, mất tình nghĩa vì điều này. Vì vậy mà ngày nay người ta rất ngại khi được nhờ đến xông đất đầu năm. Thậm chí trong ngày Mồng Một tết người ta đến thăm nhau cũng rất trễ để ...mình không phải là người đến trước. Xông đất đầu năm là một nét văn hóa truyền thống của cư dân vùng nông nghiệp, nó thể hiện cái triết lý cộng đồng của dân tộc Việt Nam, mọi người sống quan tâm đến nhau, sống vì nhau, ngoài ra nó còn có ý nghĩa tâm linh, mọi người muốn mang đến cho nhau sự may mắn trong ngày đầu năm mới. Sau thời khắc giao thừa, bàn thờ gia tiên được trưng bày rực rỡ, hoa vạn thọ, hoa lay-ơn khoe sắc trên chiếc độc bình cổ, mâm ngũ quả đủ màu sắc, cỗ bánh bò, bánh thuẫn chất ngất bên cạnh cùng trang điêûm cho gian thờ sáng hẳn lên. Gia chủ mở rộng cánh của để đón năm mới. Trong mùi hương trầm thoang thoảng ấm cúng, người đến xông đất cùng gia chủ rót tách trà ngon, mời nhau chiếc bánh ngọt để giới thiêïu tài gia chánh của cô con gái, uống một ly rượu gạo để tận hưởng phong vị tết cổ truyền, rồi cùng hàn huyên chuyện làm ăn và cầu chúc những điều tốt đẹp cho một năm mới. Trí Thanh