Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

thời sự-suy nghĩ

CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

Tết Nguyên Đán đi qua đã nhiều ngày nhưng không khí vui xuân vẫn còn tiếp diễn. Hết 3 ngày tết là tiếp đến các lễ hội như hội đua thuyền sông nước, đua ngựa các nơi rồi các chương trình ca nhạc, văn hoá thể thao…Đây cũng là nét độc đáo của một địa phương có nhiều hoạt động văn hoá truyền thống phong phú và đa dạng. Việc tổ chức nhiều hoạt đông văn hoá thể thao trong dịp đầu xuân là điều tốt. Là cơ hội để người dân có điều kiện vui chơi sau một năm lao động vất vả và chuẩn bị bước vào một năm lao động mới, ngoài ra cũng là điều kiện để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân gian của từng địa phương.
Dân ta có thói quen chơi tết kéo dài, có nơi không khí vui xuân đón tết kéo dài đến tận cuối tháng Giêng. Thói quen này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất….Nhưng điều đáng chê trách nhất là không khí này còn được nhiều cán bộ công chức mang đến cả nhiều cơ quan đơn vị nhà nước. Đã gần đến ngày mồng 10 tết nhưng hoạt động ở nhiều cơ quan đơn vị trong tỉnh vẫn chưa đi vào nền nếp. Mới chiều hôm qua chị láng giềng của tôi sang nhà chơi đã than thở: khổ quá, sáng nay đến liên hệ công việc ở một cơ quan kia nhưng người nọ thì nói rằng đó là trách nhiệm của người kia. Tìm người kia thì thường trực cơ quan bảo rằng họ đi cơ sở nắm tình hình, đi công tác địa bàn cuối buổi mới về. Đúng là những công chức mẫn cán, tích cực trong công tác, mới đầu năm đã chịu khó đi cơ sở nắm tình hình. Chị chờ đến cuối buổi rồi những người cần gặp cũng gặp được. Nhưng khi nghe họ nói chuyện với nhau mới biết rằng họ không phải đi công cán mà đi xem hội đua thuyền rồi ghé về “trút hũ” nhà một người quen! Chị chắc lưỡi: làm cán bộ sướng thật, đến mồng 9 còn bỏ công sở để đi chơi tết. Chỉ có dân đen chúng tôi là khổ, muốn liên hệ làm việc gì thì phải chờ chực!
Chuyện bức xúc này không chỉ xảy ra ở một hai nơi như chị kia vừa kể mà là tình trạng chung của nhiều cơ quan đơn vị vào thời điểm sau tết cổ truyền. Hãy rảo một vòng đến các cơ quan đơn vị mà xem. Nhiều nơi cán bộ công chức vẫn còn tụm năm tụm bảy kể chuyện chơi tết hoặc kéo nhau đi “trút hũ” nhà người này người kia. Tệ hại hơn, sau khi đến cơ quan họ rủ nhau tìm một phòng nào đó tổ chức đánh bài ăn tiền….Tuy không đến mức sát phạt như cờ bạc nhưng đây là điều thật đáng trách.
Việc các cơ quan đơn vị do ảnh hưởng không khí tết làm chểnh mảng đến công việc như câu chuyện tôi vừa nêu ở trên chỉ là chuyện nhỏ trong vô số những chuyện mà hiện nay ta vẫn gặp và nghe người dân bức xúc, phàn nàn hàng ngày ở các cơ quan hành chính khi những người được gọi là “đầy tớ” của dân tự do đánh cắp giờ nhà nước để làm việc riêng, và khi dân cần đến thì họ thực hiện nhiệm vụ như một sự ban ơn. Mới đây trong chỉ thị 05 vừa ban hành, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải quản lý và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc của cơ quan. Cán bộ công chức không được sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng, không đi muộn về sớm, không chơi game trong giờ làm việc, không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc…thế nhưng trên thực tế quy định này chưa được các cơ quan đơn vị thực hiện triệt để. Tình trạng cán bộ viên chức chơi game giải trí trong giờ làm việc, la cà quán xá, đi muộn về sớm…vẫn còn tồn tại trong một số cơ quan đơn vị nhà nước. Chẳng những làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công việc mà còn phá vỡ kỷ cương, quy chế của cơ quan nhà nước, làm mất lòng tin ở nhân dân. Đây cũng là vấn đề cần chấn chỉnh trong chương trình cải cách hành chính-một chính sách lớn mà được Nhà nước và tỉnh ta triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Nói về vấn đề cải cách hành chính, thời gian qua tỉnh ta cũng đã tạo được được một số chuyển biến, từ việc tổ chức liên thông một cửa cho đến việc rút gọn thời gian, giảm bợt thủ tục trong hành chính trong giải quyết công việc. Từ đó đã góp phần làm giảm bớt nguy cơ nhũng nhiễu ở các cơ quan hành chính công và hiệu quả lớn nhất mang lại là kết thúc năm 2007 vừa qua, Phú Yên là tỉnh đứng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên và thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI-vấn đề này được đánh giá là chúng ta đã thực hiện được một bước tiến mới trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đến hợp tác làm ăn để thu hút đầu tư. Tuy nhiên đó là việc lớn, còn trong mối quan hệ hàng ngày giữa cán bộ công chức ở các cơ quan hành chính công với người dân vẫn chưa được cải thiện. Thủ tục hành chính còn nhiều, những cán bộ công chức-đầy tớ của dân vẫn chưa quen với việc nở nụ cười khi tiếp đón công dân đến liên hệ công việc. Người dân vẫn còn ngại và khổ sở mỗi khi có vấn đề gì cần đến các cơ quan hành chính giải quyết.
Đất nước đã thay đổi rồi. Chúng ta đã bước vào hội nhập, đã ra biển lớn để sánh vai với các nước trên thế giới rồi nhưng cách nghĩ, cách làm của một số người phục vụ nhân dân vẫn còn hạn hẹp và giữ thói quen cũ sẽ không còn phù hợp và là trở lực không nhỏ trong tiến trình hội nhập.
Hiện nay Đảng và nhà nước ta đang phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đây là một cuộc vận động lớn trong toàn Đảng, toàn dân. Mong rằng từ cuộc vận động này, mỗi cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước cần phải ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc là góp phần vào công cuộc cải cách hành chính của đất nước. Những tư duy và cách làm việc kiểu cũ cần phải thay đổi từ bây giờ. Phải, ngay từ bây giờ.
Trí Thanh

thời sự-suy nghĩ

LẠI CHUYỆN TĂNG GIÁ


Lẽ thường xưa nay, bất cứ một vấn đề gì xảy ra dù to lớn hay nghiêm trọng đến đâu thì dư luận cũng chỉ xôn xao trong một thời gian, sau đó thì mọi chuyện sẽ dần lắng xuống. Điều này cũng không có gì là khó hiểu cả. Bởi vì cuộc sống là một dòng chảy liên tục, con người ta bị cuốn trong cái dòng chảy ấy thì sẽ phải biết tạm quên cái này để tiếp nhận những cái mới khác.
Thế nhưng có một vấn đề mà gần hai năm nay liên tục được mọi người quan tâm-đó là sự leo thang của giá cả. Không quan tâm sao được khi mà sự biến động theo một chiều của giá cả cứ liên tục tiếp diễn hết tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác. Không phải chỉ là giá cả của một vài loại hàng hoá mà tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong xã hội đều leo thang với tốc độ chóng mặt. Từ giá vàng, đô la, giá thép, giá xăng cho đến lương thực thực phẩm, giá dịch vụ.... Sự tăng giá đến thời điểm này không còn là vấn đề của những nhà quản lý kinh tế hay các nhà doanh nghiệp mà là tất cả mọi người trong xã hội, không còn ai có thể đứng ngoài sự chi phối của nó.
Tôi là một viên chức nhỏ của nhà nước, lâu nay vẫn thường ỷ y và không quan tâm mấy đến vấn đề giá cả. Mặc kệ, tuy số tiền lương hàng tháng không bao nhiêu nhưng sống tằn tiện cũng tạm được, quan tâm giá cả mà làm gì? Thế nhưng hiện giờ cũng không thể làm ngơ với vấn đề này, khi mà tất cả mọi thứ gì có thể mua bán, trao đổi-kể cả công lao động đều tăng. Mà không quan tâm sao được khi chúng ta đang sống với biết bao nhu cầu thiết yếu, từ cây kim sợi chỉ cho đến việc ăn uống hàng ngày….đều phải mua. Nghĩa là đều phải tham gia vào sự lưu thông của thị trường. Nghĩa là đều bị cuốn trong vòng quay của cơn bão giá!
Buổi sáng vừa thức dậy đã nghe các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về giá xăng dầu thế giới tăng, giá thép tăng, các ngân hàng trong nước đua nhau nâng lãi suất huy động vốn, ngành thống kê dự báo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng trong tháng tới, ngành điện đang dự kiến điều chỉnh giá điện theo hướng tăng lên…toàn những cái vĩ mô nghe mà nhứt cả đầu. Bước ra cửa gặp bà bán xôi quen, thay cho cái cười mời mọc mọi khi là một thông báo về giá nếp, giá than củi và cuối cùng là…giá gói xôi tăng gấp 2 lần, mới nghe thôi chứ chưa kịp ăn mà đã thấy tức bụng. Vào cơ quan rồi đi cơ sở, đến chỗ nào cũng nghe người ta nói đến chuyện tăng giá. Từ giá heo con giống cho đến phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng gấp 2-3 lần so với năm trước.
Bữa cơm gia đình buổi trưa càng đạm bạc hơn trước cơn bão giá. Chưa kịp vào mâm đã nghe vợ ca cẩm nào là giá gạo, giá thực phẩm mắm muối đều tăng. Rau xanh là thứ rẻ nhất, dễ mua nhất, nhưng trước đây người ta bán mớ còn nay thì tính bằng cọng, bằng lạng…Trước kia một lần đi chợ chỉ khoảng 30 ngàn đồng là ăn cả ngày, nay phải đến 60-70 ngàn đồng. “Lương công chức mỗi tháng chỉ hơn triệu bạc như mình thì từ nay đừng mơ đến thịt gà, gần cả 100 ngàn đồng một ký”- nghe vợ chua chát như vậy mà nao cả lòng.
Buổi chiều ghé đón con ở trường, tiện đường rẽ vào công viên cho trẻ vui chơi, khi thanh toán tiền tưởng theo giá cũ thì cô chủ dịch vụ trố mắt: “Xưa rồi chú ơi, mọi thứ đã lên giá lâu rồi!”… Ừ nhỉ! Đúng là mình “xưa” thật, giá ngày công lao động trong nông nghiệp cũng đã tăng từ lâu rồi!
Với những gia đình viên chức như tôi thì việc giá cả leo thang như lâu nay tuy làm cho cuộc sống eo hẹp hơn nhưng vẫn còn có thể phòng vệ được theo kiểu “yếm khí” là tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu, nhưng nhiều bộ phận xã hội khác thì không dễ chút nào. Đối tượng khó khăn nhất hiện nay có lẽ là nông dân và nông thôn- bộ phận thụ động nhất trước tất cả những sự biến động. Họ vừa phải đối mặt với những trận thiên tai bão lụt triền miên trong năm qua, lại vừa phải vất vả chống đỡ trong cơn bão giá. Hạt thóc làm ra vốn nhỏ …“ như hạt thóc” mà chi phí đầu tư đã hơn tám chín phần.
Sự tăng giá tạo ra nhiều vấn đề bất ổn cho xã hội. Các nhà quản lý kinh tế của đất nước vẫn đang nỗ lực thực hiện các chính sách bình ổn giá nhưng xem ra vẫn chưa có có chiều hướng sáng sủa.
Trong khi đang ngồi suy ngẫm vấn đề này thì lại nghe truyền hình vừa đưa tin giá dầu thế giới lại thêm một đợt tăng mới nữa. Biết làm sao được, chuyện tăng giá thì cứ để những nhà quản lý kinh tế họ lo, còn mình thì cứ chấp nhận theo kiểu sống chung với bão giá như “sống chung với lũ”vậy!
Trí Thanh

phóng sự

NGỌC LÃNG NHỮNG MÙA HOA TẾT


Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp âm lịch, hai bên đường đoạn từ cầu Sông Chùa đến phường Phú Lâm của Thành phố Tuy Hoà ngập hoa và chỉ có một loại duy nhất là layơn. Hoa chất thành đống, dựng từng bãi làm cho đoạn đường này giống như một con đường hoa. Đó là hoa của Ngọc Lãng-xã Bình Ngọc đang chờ những chuyến xe đường dài của các tỉnh đến “ăn hàng”. “Con đường hoa” này kéo dài cho đến tận đêm giao thừa.
Ông Nguyễn Thanh Hà-53 tuổi cho biết: “Ban đầu ở đây chỉ trồng các giống hoa nội địa như thượt dượt, cúc, hoa hồng…dần dần về sau thì chuyển sang trồng chuyên hoa layơn để bán tết và đã trở thành “thương hiệu” bởi ngày nay hầu như trong Nam, ngoài Bắc cũng đều biết tiếng layơn Ngọc Lãng mình!”. Ngọc Lãng là vùng đất sa bồi gần cửa sông và cây layơn đã ăn chịu được ở đây, hình thành một làng hoa nổi tiếng ở cửa ngõ phía Nam thành phố Tuy Hoà. Cây hoa lay ơn đã làm cho bà con ở đây no cơm ấm áo, nhiều người nên cửa nên nhà, con cái học hành thành đạt. Và nhất là hoa đã tạo thêm thu nhập trong thời điểm “cá tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Hoa layơn Ngọc Lãng ngày nay không chỉ cung cấp nội địa mà còn vươn xa ra thị trường bên ngoài, làm đẹp mùa xuân cho cả nước.
Trước kia Ngọc Lãng chỉ trồng layơn hồng. Dần dần theo yêu cầu của thị trường, layơn hồng được thay thế bằng các loại layơn cao cấp, giống nhập ngoại như đỏ mập, nhung đen, tím cẩm, son sắc, vàng…Những giống này cành to, bông cao, màu sắc đẹp được thị trường ưa chuộng nhưng trồng cũng rất khó. Ngay từ khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, dân trồng hoa Ngọc Lãng đã phải lên tận Đà Lạt tìm mua giống. Theo các nhà vườn, chất lượng hoa phụ thuộc rất lớn vào chất lượng củ giống. Củ giống phải to, mập, đủ già thì cây mới phát triển lớn, cành to, màu hoa mới mịn và lâu tàn. Nếu trồng phải củ giống non, bị sâu thì cây phát triển èo uột như đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Mang củ giống về phải lựa chọn lại rồi đem sắp trên sạp mỏng và xông khói để có độ ấm kích thích củ ra rễ, cứ sau độ 10 ngày phải trở một lần cho độ ấm lan toả đều đến từng củ hoa. Qua 23 tháng 10 âm lịch thì đem trồng-đây là thời gian vừa để xuống giống hoa layơn tết nhưng cũng là thời điểm không còn ngập lụt. Việc xông khói củ hoa cũng yêu cầu rất cẩn thận vì nếu già lửa thì củ sẽ bị nướng chín. Ngược lại nếu xông không đủ độ ấm thì hoa mọc mầm chậm và cây phát triển yếu. Đối với người trồng hoa ở Ngọc Lãng thì củ giống layơn rất quan trọng. Hàng năm bà con vẫn phải đi mua giống chứ không tự để giống được. Bởi vì khác với layơn hồng truyền thống, các giống layơn cao cấp này muốn để giống thì sau khi cắt hoa phải chừa lại 2 lá gốc cùng với củ rồi tiếp tục để đứng chân tại luống 1 tháng sau mới nhổ đem về bảo quản-một tháng đứng chân tại luống là để củ hoa tiếp tục tích luỹ dưỡng chất và đủ “già” để đảm bảo chất lượng mọc mầm về sau. Ngọc Lãng đất chật nên khi thu hoạch hoa bán tết là nhổ luôn cả củ đi để lấy đất làm việc khác. Vì vậy hàng năm làng hoa layơn Ngọc Lãng phải tốn trên 2 tỷ đồng tiền mua giống.
Ngoài giống thì thời tiết cũng là yếu tố quyết định. Layơn vốn hợp với khí hậu ôn đới nên khi di thực về đây hay đỏng đảnh như cô gái xứ lạnh về làm dâu vùng đất nóng, dễ thay đổi tính nết khi trái gió trở trời. Người trồng layơn sợ nhất là gặp mưa và gió nhiều, củ sẽ bị thối, cây bị lay lỏng gốc chậm phát triển làm cho người trồng hoa luôn trong tâm trạng phập phồng. Ông Huỳnh Văn Sự, 46 tuổi-người trồng layơn lâu năm ở đây nói: “Sợ nhất là những năm thời tiết bất thường như năm nay-đợt áp thấp nhiệt đới vừa rồi cũng đã làm cho layơn bị ảnh hưởng rất nặng, hoa phát triển chậm và cầm lại, bông cũng không tốt, như vậy thì lỗ to và khỏi ăn tết”.
Mỗi năm có một vụ hoa tết. Với người trồng hoa Ngọc Lãng thì ngoài tạo thu nhập cuối năm đây còn là dịp để thể hiện kỹ thuật, tay nghề của mình với dân trồng hoa các nơi. Vì vậy bao công sức, kỹ năng, kể cả hy vọng đều dồn cho hoa. Những ngày cận tết thì cái vui, cái buồn của các nhà vườn đều phụ thuộc vào việc hoa có kịp tết hay không và giá cả thị trường ra sao. Bà Nguyễn Thị Cảnh-50 tuổi có vườn layơn rộng 2 sào với trên 10 triệu đồng tiền củ giống, đó là chưa kể chi phí vật tư trong thời tăng giá. Dù đang giai đoạn chuẩn bị thu hoạch nhưng bà vẫn nâng niu, chăm chút từng gốc hoa. Bà tâm sự: “Trồng hoa là rất hy vọng nhưng gặp năm hoa của mình trễ, nhìn người ta bán hoa mà mình muốn khóc luôn. Nhưng sống bằng nghề nào nó cũng có cái quen, cái mê của nghề đó nên dù có thất bại năm nay thì năm sau mình vẫn tiếp tục đi mua giống về trồng để bán tết”.
Layơn là loài hoa đẹp, có dáng thanh thoát, kiêu sa. Ban đầu chỉ là cành thẳng như lưỡi kiếm bỗng nở ra những bông hoa hình loa với màu sắc mịn màng và kín đáo chứ không rực rỡ phô trương như nhiều loài hoa khác. Hoa layơn không biết có xuất xứ từ đâu nhưng chắc không phải ở Việt Nam bởi từ thời trung cổ ở phương Tây đã có một truyền thuyết cảm động về loại hoa này. Truyền thuyết kể rằng: hoàng đế La Mã là Barbagalo ra lệnh tử hình tất cả các tù nhân xứ Pheranki, chỉ để lại hai chàng trai khoẻ mạnh, có thân hình đẹp nhất cho dẫn độ về La Mã chuẩn bị đưa vào đấu trường. Một buổi tối đẹp trời, tình cờ hai chàng trai này gặp hai người con gái rất đẹp lại là con của hoàng đế La Mã. Hai người con trai với 2 người con gái gặp tiếng sét ái tình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vị hoàng đế La Mã biết vậy bèn nói với 2 con gái rằng đây là 2 tù nhân, bắt họ sẽ đấu kiếm với nhau, người nào thắng sẽ được tự do và người kia phải chết. Nghe vậy cả 2 nàng đều hết sức lo lắng. Rồi cuộc giao chiến giữa hai chàng trai nô lệ cũng xảy ra. Tuy nhiên trong khoảnh khắc khi lưỡi kiếm của người này chuẩn bị đâm chết người kia thì tình yêu quê hương trong họ bừng dậy và hai đấu thủ cùng cắm kiếm xuống đất, lao vào ôm nhau. Hoàng đế La Mã ra lệnh giết cả hai người. Giữa lúc ấy một chuyện lạ xảy ra, hai thanh kiếm cắm xuống đất cứ kêu leng keng và tại đó bỗng mọc lên những bông hoa lạ có hình như lưỡi kiếm. Đó là loài hoa layơn ngày nay…
Với nhiều người trồng hoa ở Ngọc Lãng có thể họ không biết câu chuyện cảm động về hoa layơn, nhưng chắc chắn ai cũng biết rằng họ đang trồng một loài hoa đẹp để tô điểm cho mùa xuân.

Trí Thanh

tuỳ bút


CÓ MỘT LA HAI TRONG SƯƠNG

đến La Hai em quên đường về!
( Ca dao)
Vốn chẳng phải dân La Hai nhưng không biết tại sao tôi lại rất thích xứ này. Tôi thích cái phố núi con con giữa chập chùng đồi núi và buổi sớm mai được phủ lên chiếc áo sương mù bàng bạc trong cái lạnh se se. Hễ có dịp là tôi phóng ngay đến đây với tâm trạng háo hức như được về với người tình cũ. Lần nào đến La Hai tôi cũng đứng rất lâu bên này cây cầu sắt-cửa ngõ của phố núi nhìn vào con đường sương hun hút và kỳ lạ thay, mỗi lần như vậy tôi đều có những cảm xúc mới lạ như mới lần đầu. Cây cầu sắt già nua có tuổi đời non thế kỷ vẫn miệt mài công việc của mình mặc cho bao đổi thay của một phố núi đang thời hội nhập. Trong bóng sương mai bảng lảng cánh cò trên ruộng mạ như phảng phất hình bóng những giai nhân sắc nước một thời của La Hai xưa.
La Hai có một ngọn núi tên gọi hòn Chảo nằm bên dòng sông Con, mang truyền thuyết ly kỳ về một tình yêu bất tử. Vào những đêm trăng, từ lòng phố nhìn lên hòn Chảo trong lung linh sương mù giống như người con gái nằm xoã tóc xuống dòng sông say giấc nồng mà quên cả thế sự, hay đang u uất niềm đau của kiếp hồng nhan bao ước vọng không thành. La Hai từ xưa nổi tiếng có nhiều con gái đẹp. Vùng sa bồi ở miền sơn cước này có khí hậu mát mẻ làm cho cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Con gái ở đây trắng da mượt tóc, đôi mắt đa tình, dáng điệu thanh thoát trong bóng sương mai làm say lòng bao mặc khách. Không biết có phải bóng núi giai nhân hay vì La Hai nhiều con gái đẹp mà trong dân gian khu vực miền Trung còn lưu truyền câu ca “gái La Hai, trai phường Lụa”. Phường Lụa là chỉ vùng Ngân Sơn của thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An ngày nay. Ở đây ngày xưa nổi tiếng nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Con trai phường Lụa nổi tiếng hào hoa. Trai phường Lụa chỉ muốn sánh cùng gái La Hai. Cũng có câu ca dị bản rằng “ Gái La Hai, trai Đồng Cọ”. Đồng Cọ bây giờ thuộc huyện Tây Hoà là vùng lúa trù phú, con trai tốt tướng, học giỏi. Nhưng dù con trai ở đâu “tốt” nữa thì con gái cũng chỉ là gái La Hai!
Tôi quen chị Nguyễn Thị Hồng trong một cuộc gặp tình cờ nhưng chúng tôi lại có cùng điểm chung là thích sương mù ở La Hai. Chị Hồng là dân gốc La Hai, chị hiểu và yêu sương mù ở đây không chỉ là tấm lòng của người con với xứ sở mà còn bằng cái nhìn triết lý về cõi nhân sinh, về sự đến và đi của sương cũng mong manh như một kiếp người. Ở cái tuổi sắp về chiều nhưng chị vẫn rất đẹp. Không chỉ dung nhan mà trong tâm hồn, phẩm cách làm ai một lần gặp cũng khó có thể quên. Đã có ông nhà thơ trong một giây phút chếch choáng men say đã không nén được lòng hâm mộ:
“đẹp đã là chân lý
nhọc chi vần Uyên Minh?
chân dung em kỳ vĩ
nghệ nhân ta nghiêng mình!”…
Chị Hồng thuộc tốp con gái đẹp một thời của xứ La Hai. Từng làm ngẩn ngơ bao chàng trai … Chị xuất thân trong một gia đình thuộc hàng danh giá của La Hai. Lớn lên theo nghề dạy học và sáng tác văn chương. Có thơ đăng rải rác nhiều báo, tạp chí và năm vừa rồi chị đã xuất bản tập thơ đầu tay với tựa đề “Trăng khuyết”. Tôi không hiểu nhiều về thơ nhưng cũng cảm nhận được những rung cảm về tình yêu, về nhân tình thế thái của một số phận tài hoa nhưng nhiều lận đận:
Lời tỏ tình đêm trăng khuyết…
Như nước mắt,
Cuộc đời khuyết
Anh…
Không chỉ nổi tiếng vì con gái đẹp mà La Hai còn là nơi xuất thân của nhiều danh sĩ, trí thức cả xưa và nay. Theo một truyền thuyết có từ thời cha ông mở cõi về phía nam và La Hai là vùng trấn biên trong một thời kỳ dài rằng: trên ngọn núi Hòn Chảo có một người phụ nữ sinh ra 3 người con với 3 bộ mặt mang ba màu: xanh, đỏ và đen-được xem là những dị nhân của vùng đất “địa linh-nhân kiệt”. Sau khi người Pháp xâm lược đến vùng đất này thì gặp sự phản kháng mạnh mẽ. Nhiều nhân sĩ nổi lên lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Cả một thời gian dài người Pháp không bình định được vùng đất này mới tìm thầy “trồng bồ”-tiếng địa phương tức là yểm bùa để chế ngự truyền thuyết kia hòng tiêu diệt ý chí của người dân anh dũng đất này. Không biết ông thầy nọ “trồng bồ” có linh nghiệm hay không, chỉ biết rằng vùng đất này về sau vẫn xuất hiện rất nhiều “ nhân kiệt” đứng lên chống Pháp. Và ở đây, ngay hòn Chảo này là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên do ông Phan Lưu Thanh-người con ưu tú của đất La Hai làm bí thư chi bộ. Từ đó hòn Chảo trở thành căn cứ của Đảng trong một thời kỳ dài để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trí Thanh

chân dung nghệ sĩ