Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

thời sự và bình luận

HÃY ĐÁNH THỨC LƯƠNG TÂM NHỮNG NGƯỜI LÁI XE KHÁCH

Đã một tuần trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại dốc Thị thuộc xã Xuân Tự, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà vào trưa ngày 30/6 giữa hai xe khách 77H-3895 và 77H-2369. Vụ tai nạn đã cướp đi cùng lúc sinh mạng của 10 người và làm bị thương 9 nguời khác. Có gia đình cùng lúc có nhiều người cùng đi và bị chết hoặc bị thương nặng trên chuyến xe định mệnh này.

Hậu quả của vụ tai nạn đã làm cho nhiều gia đình tan nát. Làm cho chồng mất vợ, mẹ mất con và những đứa trẻ ngơ ngác hỏi sao mẹ chúng không về…Sự đau thương, mất mác này lẽ ra không có nếu như những “bác tài” có chút lương tâm.

Nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc này ban đầu được ngành chức năng xác định là do yếu tố chủ quan. Theo những người chứng kiến và một vài hành khách còn sống sót cho biết thì tài xế hai chiếc xe đã tranh vượt, chèn ép nhau với tốc độ kinh hoàng không biết vì lý do gì và đã dẫn đến tai nạn. Nhưng dù lý do gì đi nữa thì họ cũng không có quyền xem thường sự sống của mấy chục hành khách đang ngồi trên xe, đang gửi sinh mạng vào tay lái của mình. Đó là sự vô lương tâm nếu không muốn nói là tội ác.

Trong mấy ngày vừa qua các ngành chức năng đã có những ý kiến phân tích về vụ tai nạn thảm khốc này. Nhiều người cho rằng tuyến Quốc lộ IA qua tỉnh Khánh Hoà này là “cung đường đen”, là những “điểm đen” và có những khoảng “thời gian đen” vì đường nhiều cua, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và thiếu hệ thống cảnh báo tai nạn. Điều này quả không sai. Nhưng giá như những người điều khiển phương tiện có ý thức, tôn trọng pháp luật và có lương tâm trách nhiệm với con người thì đâu có những cung, những điểm, những khoảng thời gian đen để dẫn đến hàng chục cái chết thương tâm?

Hiện nay có rất nhiều ngành nghề người ta đã đề ra những chuẩn mực đạo đức để người hành nghề phải tuân thủ, bên cạnh sự chấp hành bắt buộc quy định của luật pháp. Còn đối với những người làm nghề lái xe thì sao? Lẽ ra bên cạnh việc đào tạo chuyên môn họ còn phải được giáo dục đạo đức và lương tâm nghề nghiệp nhiều hơn, trước khi được cấp giấy phép để ngồi sau tay lái. Bởi vì họ quyết định bao nhiêu sinh mệnh trên đường. Các cơ quan chức năng đại diện cho Nhà nước để quản lý và cấp giấy phép lái xe cũng cần có sự kiểm tra tốt hơn, không chỉ về trình độ chuyên môn mà phải có cả đạo đức và lương tâm trách nhiệm. Nếu cơ quan chức năng trong lĩnh vực giao thông vận tải mà nhận hối lộ kiểu như Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông của một tỉnh miền Trung vừa bị phanh phui trước công luận gần đây thì việc cấp phép cho những bác tài cũng có nghĩa là gieo mầm hoạ cho xã hội. Mới chỉ 6 tháng đầu năm mà trong cả nước đã có gần 5.700 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó tai nạn xảy ra với xe ô tô khách làm chết một lúc nhiều người chiếm tỷ lệ rất cao. Biết đâu trong số những vụ tai nạn và số người chết này lại do chính những lái xe được cấp giấy phép bằng sự mua bán, hối lộ?
Xã hội ngày càng phát triển. Nhu cầu giao thông của con người ngày cũng càng cao. Phương tiện giao thông cũng phải đáp ứng cho nhu cầu đi lại của con người, nhưng liệu ai có thể yên tâm khi giao tính mạng cho những lái xe kiểu này? Vụ tai nạn thảm khốc tại dốc Thị-Vạn Ninh mới chỉ là một trong hàng ngàn vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trong thời gian qua. Đòi hỏi Nhà nước và các ngành chức năng phải có những chế tài khắc khe hơn nữa, kể cả áp dụng hình phạt đặc biệt đối với những lái xe vô lương tâm, thiếu trách nhiệm và xem thường pháp luật.
Ai rồi cũng phải chết. Đó là lẽ tự nhiên trong cái vòng sinh tử nghiệt ngã của kiếp người. Nhưng với những cái chết tai nạn giao thông xuất phát từ những người lái xe thiếu đạo đức và lương tâm là điều phải ngăn chặn. Những lái xe bất chấp pháp luật rồi cũng sẽ bị pháp luật xử lý nhưng sự đau thương mất mác do nó gây ra thì không gì có thể bù đắp được. Chúng ta không vô cảm trước những cái chết thương tâm của đồng loại và cần phải làm một cái gì đó để góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông. Mà trước hết cần đánh thức lương tâm và trách nhiệm của những người làm nghề lái xe.
Thứ Bảy, ngày 7/7/2007-Trí Thanh