Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

bút ký


MUỐI ƠI!...


Lại một năm nữa dân làm muối ở Tuyết Diêm-huyện Sông Cầu phải gặp cảnh lao đao. Cái nghề đầy khổ nhọc để chắt chiu tinh túy của trời đất đem vị mặn cho đời mà thường phải nhận lấy sự bạc bẽo của nó. Làng muối lại có thêm nhiều người bỏ nghề. Ông Nguyễn Kim Phụng - diêm dân của Tuyết Diêm mặt buồn rười rượi nói: " Giá muối liên tục rớt từ 350 đồng xuống 300 đồng, rồi còn 200 đồng một ký. Lỗ nặng!".
Hai tiếng "Lỗ nặng" của ông
Phụng nghe nặng trịch như một dấu chấm hết. Nó khái quát kết cục của những vụ muối thất bát và giá muối không ra gì. Nó như cũng dự báo một quyết định nào đó của ông đối với nghề. Liệu một người sinh ra trên đồng
muối, hơn 50 năm gắn bó với muối như ông có tính bỏ nghề?
Muối Tuyết Diêm từ xưa nổi tiếng là tốt về chất lượng. Hạt muối trắng và chắc, không thua kém muối của các nơi khác như Sa Huỳnh, Hòn Khoí hay muối Mũi Né nên được người tiêu dùng trong khu vực ưa chuộng. Nhưng do sản xuất theo lối thủ công năng suất thấp, giá thành cao hơn những chỗ khác mà muối khó bán. Sản lượng toàn vùng chỉ khoảng 12 ngàn tấn mỗi năm mà dù bán đổ bán tháo cũng còn tồn từ 6 -7 ngàn tấn. Bởi vậy mà diêm dân cứ hớt hải lo tìm nguồn tiêu thụ, ngay ngáy lo đến hạn trả nợ ngân hàng và cuống cuồng lo chạy cái ăn hàng ngày. Những thông tin về dự án nâng cấp, cải tạo đồng muối giai đoạn 2002 - 2010 của UBND tỉnh Phú Yên, dự án xây dựng nhà máy muối Iốt đã được duyệt, dự án về nhà máy tiêu thụ muối sạch 15 ngàn tấn/ năm mà Công ty muối 3 của Đà Nẵng sẽ đầu tư....không ai buồn quan tâm. Họ có lý. Tương lai tốt đẹp cho nghề muối Tuyết Diêm có lẽ còn hơi xa mà họ thì phải lo cho những khó khăn của thực tại.

Những năm gần đây nhiều vùng muối ở nước ta đã dần thay đổi phương pháp làm muối truyền thống, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên có những bước tiến đáng kể về quy mô cũng như năng suất và chất lượng. Nhiều nơi muối được sản xuất theo hướng công nghiệp, sản lượng cao mà chi phí thấp nên dù giá hạ vẫn không sợ bị lỗ. Sản phẩm làm ra không chỉ là mấy món muối tươi, muối hầm mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như muối ớt, bột canh, muối Iốt... hấp dẫn và tiện lợi cho người tiêu dùng. Đời sống càng phát triển thì người tiêu dùng cũng trở nên khó tính - khó tính cả với .... muối! Hạt muối ăn không chỉ là mặn, mà còn phải có hương vị và đẹp về bao bì, mẫu mã. Muối không bị lẫn lộn cát, vỏ sò và tạp chất. Vì vậy đòi hỏi nghề muối phải đầu tư công nghệ để gia công cho sản phẩm mới đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Vùng muối Tuyết Diêm khó khăn về vốn, làm ăn nhỏ lẻ và không nắm bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng nên phải chấp nhận "tụt hậu" và thua lỗ.

Xưa nay người ta cứ tưởng rằng nghề làm muối là dễ có ăn. Chỉ phơi nước đại dương là có tiền. Dân làm muối thì không nghĩ như thế. Khi bước vào mỗi vụ người làm muối phải đắp lại bờ vùng, bờ thửa, làm kênh dẫn nước. Riêng công đoạn làm mặt bằng cho đồng muối phải mất ròng rã từ 12 đến 15 ngày gọi là "làm da". Sau khi cày lên và phân lô, diêm dân mỗi ngày phải dùng đầm đập hai lượt cho đến khi mặt sân thật phẳng, thật cứng như bê - tông. Hạt muối có trắng, có sạch, không bị lẫn lộn đất cát là ở khâu "làm da" này. Đây cũng là khâu nặng nhất trong cả quy trình làm muối. Vì vậy đến bây giờ ở Tuyết Diêm vẫn còn lưu truyền câu ca: "Năm đồng một lát cá thu. Lấy chồng xứ Nại chổng khu đập bờ". Xứ Nại là tên gọi xưa của vùng muối Tuyết Diêm. Ngay cái tên gọi cũng gợi lên sự lam lũ và nỗi niềm của nghề làm muối. Con gái muốn trắng da, dài tóc đừng về làm dâu xứ Nại. Để rồi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Để rồi đỏ tóc đen da, chân trần nứt nẻ. Ấy là nói ngày xưa chứ bây giờ không đến nỗi."Bảo hiểm" cho người thợ trên đồng muối đã được trang bị từ đâù đến chân. Chỉ có cái khổ nhọc là vẫn thế!

Quá trình giọt nước "hóa thân" thành muối cũng phải trải qua nhiều giai đoạn theo sự đạo diễn của con người. Trước tiên phải dẫn nước vào một hồ chứa gọi là hồ "chưá lạt", sau đó đưa vào hồ chứa thứ hai gọi là hồ "chứa châm cào". Chưa xong, từ hồ "chứa châm cào" dòng nước còn phải qua hồ chứa chịu " một", hồ chứa chịu "hai" mới được đưa vào ruộng để phơi thành muối. Quy trình này mất khoảng năm ngày. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm muối phải cẩn thận theo dõi thời tiết, độ mặn các hồ. Nếu sơ suất một khâu nào thì mẻ muối trong năm ngày đó coi như "xôi hỏng bỏng không". Muối không đủ độ chín sẽ không chắc hạt và dễ bị chảy nước. Một vụ muối bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng chín âm lịch. Đây là thời gian nhiều nắng và gió. Người làm muối phải lao động cật lực trong suốt mùa nắng, gió ấy. Mỗi hạt muối vì vậy nó chứa đựng bao nhiêu là mồ hôi, công sức, bao sự cực nhọc, tảo tần của người thợ trên đồng. Thế nhưng có một cái quy luật thật nghiệt ngã với dân làm muối. Đó là năm nào thời tiết tốt, muối được mùa thì giá lại rẻ như ... muối! Khi mất mùa giá mới cao. Giá cao mà không có muối để bán. Vậy thì cũng bằng không. Xưa nay mấy ai làm muối mà giàu! Ông Sáu Thơm hiện là người làm muối cao tuổi nhất ở Tuyết Diêm. Nhà ông làm muối đã ba đời. Từ thuở Tuyết Diêm còn là vùng rừng ngập mặn đầy cây đước, cây bần. Ở tuổi 80 ông vẫn còn chắc nịch và bền bỉ, có thể cùng con cháu cầm trang cào "tung hoành" suốt cả ngày trên đồng muối. Ông đã một đời gắn bó với muối, nếm trải đủ vị mặn của muối lẫn cái mặn của mồ hôi, đến giờ cũng chưa hết trăn trở vì muối. Ông cất cái giọng trầm đục và mặn như ... muối: "Cái mà tôi buồn nhất là con cháu bây giờ cứ rần rần đòi bỏ nghề muối. Nhiều đứa đã đi Sài Gòn làm mướn rồi!". Nỗi lòng của một diêm dân già! Liệu điều đó có đủ thuyết phục lớp trẻ khi chúng đã chán cái nghề "phơi nước" đầy khổ nhọc và luôn bị thôi thúc tìm cơ hội để vượt qua sự nghèo khó?

Ông Sáu bỏ về từ lâu mà tôi vẫn còn ngẩn ngơ giữa mênh mông đồng muối. Buổi trưa nóng hầm hập và trắng đến nhức mắt. Tôi bị hơi mặn của muối ép đầy buồng phổi, làm môi miệng chát đắng. Hóa ra cái chất khoáng rất cần cho sự sống mà ta vẫn nếm hằng ngày lại không dễ chịu chút nào khi nó trở nên quá dư thừa. Bất giác tôi nhớ câu chuyện của người thương binh già ở làng muối kể về những ngày hoạt động trên rừng nhiều lúc phải ăn tro tranh thay muối. Đôi khi hạt muối còn nhuộm cả máu của cán bộ tiếp tế từ đồng bằng lên bị địch phục kích. Mỗi hạt muối quý hơn cả vàng. Ấy vậy mà bây giờ ...
tháng 6/2003-Trí Thanh
* Ảnh trên: Diêm dân Tuyết Diêm trên đồng muối. ( Kim Long)


Không có nhận xét nào: