Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

bút ký


CÓ MỘT CAO NGUYÊN VÂN HÒA...

Ở độ cao hơn 500 mét so với mặt biển, cao nguyên Vân Hòa như có mang một chút khí hậu của vùng ôn đới. Cái nắng hanh hao và hừng hực mùi gió bấc từ hướng đồng bằng lên đã bị chặn lại tại cái nút thắt An Thọ của Tuy An, làm cho mùa hè ở Vân Hòa như đến chậm hơn. Suốt dọc đường đi, dù cố tìm lại hình ảnh quen thuộc của Vân Hòa hơn mười năm trước nhưng khó ai có thể nhận ra. Mấy cây đa hơn trăm tuổi phía trên truông Bà Diên là nơi nghỉ chân của những người đi chợ phiên leng keng nhạc ngựa nay không còn nữa. Trong ký ức của tôi là một Vân Hòa của những con đường gập ghềnh vó ngựa, những căn nhà lá đìu hiu bám trên triền núi, hay mấy xóm nhỏ mà từ xa trông phảng phất đường nét cô thôn trong những tứ thơ cũ. Không gian giàu chất thơ làm hổn hển trái tim thi sĩ :" Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi, Hổn hển như lời của nước mây"
(thơ Hàn Mặc Tử)
Bây giờ tất cả đã đổi thay, đã hiện diện một cuộc sống mới. Không còn những căn nhà lá nằm hiu hắt như mụn vá trên nền xanh của cao nguyên. Trên các trục lộ, từng dãy nhà kiên cố mọc lên. Dân Vân Hòa đã bắt đầu bám đường, bám vào cái mạch máu giao thông để thuận lợi cho sản xuất, lưu thông, tạo bộ mặt mới cho vùng đất này. Đứng trên con đường mới mở rộng đến hai làn xe chạy tôi bỗng nhớ hình ảnh những người dân vùng cao đi sau từng đoàn ngựa thồ. Ì ạch mang đường, bắp, trái cây vượt hàng chục cây số để đến chợ phiên. Để rồi cuối buổi chợ lại ì ạch thồ hàng thiết yếu về nhà. Bóng người, bóng ngựa cứ thất thểu trong sự cần mẫn và cam chịu... Những hình ảnh đó giờ đây còn chăng chỉ là trong nỗi nhớ của kẻ xa quê lâu ngày về thăm cố hương. Để rồi bất chợt à lên: " Quê mình thay đổi nhiều quá!".
Theo lời những người cao tuổi ở đây thì ông cha họ đã định cư tại vùng ba xã ít ra cũng hơn bốn trăm năm. Đâu vào thế kỷ mười bảy, khi mà Phù Nghiã hầu Lương Văn Chánh đem quân đánh dẹp phương Nam và chiêu tập lưu dân lên khai khẩn vùng đất mới theo chiếu của chúa Nguyễn: "Trên từ nguồn di, dưới từ cửa bể". Những lưu dân này nguyên là binh sĩ của chúa Trịnh trong số ba vạn tù binh bị bắt năm Mậu Tý-1648 . Họ là những người gốc Thanh-Nghệ..nên từ đó hình thành nên các làng mạc với tên gọi phỏng theo quê cũ như phường Hòa Linh, phường Vân Khương, Tân Lập Vân Hòa thôn rồi Vân Hòa trong tổng Sơn Xuân gồm ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân mà ngày nay thường gọi là vùng Vân Hòa. Như vậy những cư dân Việt đầu tiên có mặt ở vùng đất trấn biên của một thời này đã lâu. Trải qua bao thăng trầm, đổi thay của thế cuộc để rồi thành quê hương. Để rồi cắm rễ trên đất này đời đời kiếp kiếp. Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của những chiến công để giữ đất và mở đất. Con người gắn với đất và làm nên cái hồn của đất.
Bí thư xã Sơn Định Nguyễn Văn Bồng không giấu niềm tự hào: " Dân ba xã của chúng tôi là dân cách mạng. Không chỉ trong chiến tranh mà cả trong công cuộc xây dựng nhân dân cũng đoàn kết một lòng! Chúng tôi sẽ cùng nổ lực để rút ngắn khoảng cách với đồng bằng!". Vùng Vân Hòa hiện có trên 11.300 hec - ta đất sản xuất, trong đó có 9.000 héc ta đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng tái sinh sau nương rẫy. Đến 80% là đất đỏ bazan. Vì vậy có thể trồng cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi. Hiện nay ngoài cây mía địa phương đang triển khai dự án trồng cao su. Qua trồng thử nghiệm cho thấy cây cao su phát triển rất tốt, các chuyên gia đánh giá cao chất lượng mủ.
Qua nhiều thập kỷ thử nghiệm, thử nghiệm rồi thử nghiệm bao nhiêu loại cây mà không mang lại hiệu quả nên nhân dân rất ngại khi nghe triển khai một loại cây trồng mới, thế mà với cây cao su thì người dân tin lắm. Đối với họ đây có thể là cơ hội để thoát nghèo. Để những người nông dân hàng ngàn đời gắn với cái cày, con bò có thể đổi thay, trở thành những công nhân nông nghiệp trong thời đại công nghiệp. Hiện có đến vài trăm hộ xin trồng cây cao su.
Anh Đinh Văn Hoàng, chủ tịch xã Sơn Long là một người nhanh nhẹn và từng trải. Cái chất quân sự của con nhà lính trong anh thể hiện rõ trong cách nói và việc làm. Anh dành gần hai giờ đồng hồ để nói với chúng tôi về kế hoạch phát triển của xã, về những dự tính tương lai để cao nguyên Vân Hòa trở thành "con rồng " phía tây của tỉnh. Đã có dịp đến nhiều tỉnh Tây Nguyên, tìm hiểu con đường phát triển của họ tôi nhận thấy xuất phát điểm của họ cũng có những nét tương đồng như Vân Hòa. Nhưng họ đã mạnh dạn bước ra khỏi nền nông nghiệp truyền thống lạc hậu để chuyển hướng sang cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Việc xác định chuyển hướng của Vân Hòa là chậm nhưng dẫu sao cũng chưa phải là muộn. Theo anh Hoàng, vùng Vân Hòa đã có hai bước đột phá trong phát triển. Đó là năm 1979 ở đây được xây dựng nông trường cà phê, nhờ đó giúp cho dân ba xã biết được cái giá trị đất đỏ bazan và bỏ tập quán độc canh cây lúa, nhưng thực sự đánh thức vùng đất này là các chương trình đầu tư của nhà nước. Đối với một vùng đất còn nhiều gian khó như Vân Hòa nếu không có sự đầu tư của nhà nước thì việc xóa đói còn khó nói gì đến giảm nghèo, đến phát triển! Các chương trình 327, chương trình trung tâm cụm xã, chương trình 135.... bằng tiền tỷ đã truyền cho Vân Hòa một sức sống mới. Trong một lần làm việc gần đây với chủ tịch huyện Sơn Hòa Trương Phước Cường, anh cho biết: " Mới năm 1998 GDP của ba xã chỉ chiếm chưa được 8% trong tổng GDP của huyện, đến 2002 đã lên được 11%. Dự ước đến 2005 GDP của ba xã sẽ chiếm tỷ trọng 20% trong cả huyện". Cái bước vọt 9% trong khoảng thời gian chưa đầy hai năm nữa nói thì đơn giản nhưng để thực hiện được là cần bao nhiêu vấn đề. Nhưng tôi tin là Vân Hòa sẽ làm được nếu phát huy có hiệu quả các nguồn lực điạ phương với sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Nếu các chương trình đầu tư đúng hướng và có kế hoạch. Đồng tiền rót thẳng tới đất mà không bị "khúc xạ", không bị " rơi rớt" dọc đường.
Trong chuyến đi Vân Hòa lần này tôi có một quyết tâm là phải đến cho được thôn Hòa Ngãi của bà con đồng bào dân tộc Chăm. Đây là thôn mà lâu nay được xem là tiêu biểu ở huyện Sơn Hòa về thực hiện định canh định cư, về tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương. Quả thật nếu không có nóc nhà rông văn hóa tôi không nhận ra đây là thôn của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thôn được quy hoạch khá hiện đại. Có đến 80% là nhà ngói và cần ăng-ten cao vút để bắt sóng truyền hình. Bằng cái giọng đều đều như hát Khan, già làng Ma Gộp kể về những gian nan của cái thời sống du canh du cư (có lẽ ông đã kể hàng trăm lần về chuyện này). Cái kiểu sống mà "Lửa bén tới đâu ăn tới đó" nhưng cũng chỉ được một hai mùa lại phải dắt díu nhau đi. Cuộc sống du canh du cư cứ như lớp đất rừng bị bợt bạt sau mỗi mùa mưa lũ. Đến quá nửa đời người ông và bà con mới cắm làng cố định tại vùng đất này và tạo dựng cuộc sống như ngày hôm nay. Gương mặt Ma Gộp vẫn chưa phai hết nét khắc khổ nhưng cái bụng đã yên. Tôi nhìn thấy đôi mắt ông sáng rực lên một niềm tin.
Buổi trưa trên cao nguyên thật dễ chịu. Cái nắng đầu hè vàng như mật chảy suốt lên màu xanh trù phú của cây trái, của những ruộng mía đến kỳ thu hoạch. Đất và nắng cao nguyên làm cho cái màu xanh thêm óng ả. Đẹp như một tấm thảm lụa mà hơn một ngàn hộ dân vùng ba xã đã cần mẫn, chắt chiu dệt suốt trong 28 năm qua mà từng mũi chỉ, đường kim thấm đẫm tình đất tình người. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi như nghe vọng lại tiếng vó ngựa xa xưa của Phù Nghĩa hầu trên đường đi mở đất. Đất không ngủ, đất đang cựa mình trong cuộc sinh hạ cho cái màu xanh thảo mộc vĩnh hằng. Và từ trong cái màu xanh bạt ngàn, từng dòng nhựa li ti vẫn chảy trong mỗi thân cây....

tháng6/2003-Trí Thanh

Không có nhận xét nào: