Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

tuỳ bút


CÓ MỘT LA HAI TRONG SƯƠNG

đến La Hai em quên đường về!
( Ca dao)
Vốn chẳng phải dân La Hai nhưng không biết tại sao tôi lại rất thích xứ này. Tôi thích cái phố núi con con giữa chập chùng đồi núi và buổi sớm mai được phủ lên chiếc áo sương mù bàng bạc trong cái lạnh se se. Hễ có dịp là tôi phóng ngay đến đây với tâm trạng háo hức như được về với người tình cũ. Lần nào đến La Hai tôi cũng đứng rất lâu bên này cây cầu sắt-cửa ngõ của phố núi nhìn vào con đường sương hun hút và kỳ lạ thay, mỗi lần như vậy tôi đều có những cảm xúc mới lạ như mới lần đầu. Cây cầu sắt già nua có tuổi đời non thế kỷ vẫn miệt mài công việc của mình mặc cho bao đổi thay của một phố núi đang thời hội nhập. Trong bóng sương mai bảng lảng cánh cò trên ruộng mạ như phảng phất hình bóng những giai nhân sắc nước một thời của La Hai xưa.
La Hai có một ngọn núi tên gọi hòn Chảo nằm bên dòng sông Con, mang truyền thuyết ly kỳ về một tình yêu bất tử. Vào những đêm trăng, từ lòng phố nhìn lên hòn Chảo trong lung linh sương mù giống như người con gái nằm xoã tóc xuống dòng sông say giấc nồng mà quên cả thế sự, hay đang u uất niềm đau của kiếp hồng nhan bao ước vọng không thành. La Hai từ xưa nổi tiếng có nhiều con gái đẹp. Vùng sa bồi ở miền sơn cước này có khí hậu mát mẻ làm cho cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Con gái ở đây trắng da mượt tóc, đôi mắt đa tình, dáng điệu thanh thoát trong bóng sương mai làm say lòng bao mặc khách. Không biết có phải bóng núi giai nhân hay vì La Hai nhiều con gái đẹp mà trong dân gian khu vực miền Trung còn lưu truyền câu ca “gái La Hai, trai phường Lụa”. Phường Lụa là chỉ vùng Ngân Sơn của thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An ngày nay. Ở đây ngày xưa nổi tiếng nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Con trai phường Lụa nổi tiếng hào hoa. Trai phường Lụa chỉ muốn sánh cùng gái La Hai. Cũng có câu ca dị bản rằng “ Gái La Hai, trai Đồng Cọ”. Đồng Cọ bây giờ thuộc huyện Tây Hoà là vùng lúa trù phú, con trai tốt tướng, học giỏi. Nhưng dù con trai ở đâu “tốt” nữa thì con gái cũng chỉ là gái La Hai!
Tôi quen chị Nguyễn Thị Hồng trong một cuộc gặp tình cờ nhưng chúng tôi lại có cùng điểm chung là thích sương mù ở La Hai. Chị Hồng là dân gốc La Hai, chị hiểu và yêu sương mù ở đây không chỉ là tấm lòng của người con với xứ sở mà còn bằng cái nhìn triết lý về cõi nhân sinh, về sự đến và đi của sương cũng mong manh như một kiếp người. Ở cái tuổi sắp về chiều nhưng chị vẫn rất đẹp. Không chỉ dung nhan mà trong tâm hồn, phẩm cách làm ai một lần gặp cũng khó có thể quên. Đã có ông nhà thơ trong một giây phút chếch choáng men say đã không nén được lòng hâm mộ:
“đẹp đã là chân lý
nhọc chi vần Uyên Minh?
chân dung em kỳ vĩ
nghệ nhân ta nghiêng mình!”…
Chị Hồng thuộc tốp con gái đẹp một thời của xứ La Hai. Từng làm ngẩn ngơ bao chàng trai … Chị xuất thân trong một gia đình thuộc hàng danh giá của La Hai. Lớn lên theo nghề dạy học và sáng tác văn chương. Có thơ đăng rải rác nhiều báo, tạp chí và năm vừa rồi chị đã xuất bản tập thơ đầu tay với tựa đề “Trăng khuyết”. Tôi không hiểu nhiều về thơ nhưng cũng cảm nhận được những rung cảm về tình yêu, về nhân tình thế thái của một số phận tài hoa nhưng nhiều lận đận:
Lời tỏ tình đêm trăng khuyết…
Như nước mắt,
Cuộc đời khuyết
Anh…
Không chỉ nổi tiếng vì con gái đẹp mà La Hai còn là nơi xuất thân của nhiều danh sĩ, trí thức cả xưa và nay. Theo một truyền thuyết có từ thời cha ông mở cõi về phía nam và La Hai là vùng trấn biên trong một thời kỳ dài rằng: trên ngọn núi Hòn Chảo có một người phụ nữ sinh ra 3 người con với 3 bộ mặt mang ba màu: xanh, đỏ và đen-được xem là những dị nhân của vùng đất “địa linh-nhân kiệt”. Sau khi người Pháp xâm lược đến vùng đất này thì gặp sự phản kháng mạnh mẽ. Nhiều nhân sĩ nổi lên lãnh đạo nhân dân chống Pháp. Cả một thời gian dài người Pháp không bình định được vùng đất này mới tìm thầy “trồng bồ”-tiếng địa phương tức là yểm bùa để chế ngự truyền thuyết kia hòng tiêu diệt ý chí của người dân anh dũng đất này. Không biết ông thầy nọ “trồng bồ” có linh nghiệm hay không, chỉ biết rằng vùng đất này về sau vẫn xuất hiện rất nhiều “ nhân kiệt” đứng lên chống Pháp. Và ở đây, ngay hòn Chảo này là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên do ông Phan Lưu Thanh-người con ưu tú của đất La Hai làm bí thư chi bộ. Từ đó hòn Chảo trở thành căn cứ của Đảng trong một thời kỳ dài để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trí Thanh

Không có nhận xét nào: