Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

NGUYỄN TRỌNG TẠO SAY

Trong số bạn nhậu thì sợ nhất là uống với anh Tạo. Anh uống dai cực kì.Uống với anh chẳng biết khi nào được về. Bia uống ngất ngư rồi, thằng nào thằng nấy ngọng mồm rồi, tưởng giải tán được rồi, khi đó anh mới nói mình uống rượu ha, cứ thế gọi hết chai này sang chai khác.Chừng nào anh chưa nằm dài ra sàn, vén áo lên gãi gãi bụng, kêu hai tiếng ôi giời, chừng đó anh chưa say.Có hôm uống rượu nhà mình, chị Dạ gọi điện anh Tường nói răng 2,3 giờ sáng vẫn chưa về. Anh Tường nói về răng được mà về, ông Tạo chưa vén áo gãi bụng em ơi.Bình thường vẫn hoà nhã, nhẹ nhàng, rưọu ngà ngà anh hay nổi khùng, chửi một câu, ném tan một cái chén. Nhiều khi thấy chẳng có vấn đề gì anh cũng chửi, chỉ chửi đúng một tiếng ngu rồi ném tan cái chén.Hôm anh Tường khen bài Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo, chẳng biết anh Tạo có nghe không, anh chửi ngu rồi ném tan cái chén. Anh Tường nói ông ni hay, đất nước hình tia chớp thì ngu cái chi, rứa hình tròn thì mới không ngu à.Xưa sắm được bộ ấm chén cũng vất vả, anh chơi của nhà mình đến ba bốn bộ, vợ mình xót lắm, bèn sắm một cái chén gỗ. Khi nào anh say thì đẩy cái chén gỗ vào trước mặt anh. Anh chửi ngu rồi cầm cái chén gỗ ném cái cụp, cái chén gỗ bay lên, vợ mình nhặt lấy, lại dí trước mặt anh, anh lại chửi ngu lại cầm chén gỗ ném cái cụp. Suốt đêm cứ mỗi cái chén gỗ ấy mà ném.Nhờ vậy mà từ đó chén nhà mình an toàn. Vợ mình mừng rú nói cái chén gỗ mà cũng không nhận ra, he he he không biết ai ngu.Anh đi nhậu tối ngày, cái Thanh, vợ anh càu nhàu. Anh nói em không biết cái gì hết. Đi uống cực lắm chứ sung sướng gì đâu. Đó, để anh nấu cơm rửa bát giặt áo quần, đưa đón con cái, em đi uống một ngày xem có trợn mắt ra không. Người ta đã nhường cho phần nhẹ nhàng mà còn thắc mắc, ngu.Bây giờ anh sạch sẽ tươm tất, chứ ngày xưa anh lười tắm nổi tiếng, mọi người vẫn đùa là Tạo bẩn.Đi uống đến 3,4 giờ sáng, về ngủ đến trưa, có người gọi lại đi uống đến 3,4 giờ sáng, thời gian đâu mà tắm.Anh Quán thấy cái áo anh đã sẫm màu thời gian nói tắm đi cái mi. Anh nằm dài ra sàn nói để em nghĩ xem tắm có phải thuộc phàm trù văn hoá không đã.Ở văn phòng hội văn nghệ, anh chơi thân với cô Lan kế toán và nghệ sĩ Kim Quí, vợ đạo diễn Xuân Đàm. Một hôm hai cô này nói đố anh Tạo tắm đó, anh nói tôi tắm hai bà phải đãi tôi một bữa nhậu nghe chưa. Hai cô ok liền. Anh vào nhà tắm, một lúc sau đi ra, đầu tóc chải chuốt trợn tru, hai cô đành thua cuộc, đưa anh đi nhậu. Nhậu được nửa chừng, anh cười nói hai bà ngu, tôi chỉ mới gội đầu, ngu chi tắm.Một hôm vừa sáng bảnh mắt anh đã đến nhà mình, nằm dài ra sàn kêu chán. Mình hỏi sao. Anh nói mình đi nhậu suốt ngày, nghĩ thương vợ, tối qua ở nhà, quyết định rửa bộ đồ nghề hầu vợ phát thì nó lại hành kinh. Rửa ráy thế có phí không.Mình kể cho Kim Quí nghe. Chị dài môi nói ông Tạo mà rửa bộ đồ nghề trời sập. Tao mà yêu ông Tạo thì tao phải lấy đũa gắp chim ông chứ chẳng dám cầm.


sao. Anh nói mình đi nhậu suốt ngày, nghĩ tVì sao blog?

Thực sự hiện nay mình không có thời gian để đu đưa với đời, nhưng hồi này sao hay nhớ về quá vãng quá. Đã bỏ blog gần một năm bỗng nhiên quay lại, quyết tâm một ngày có một bài, một mảnh kí ức. Sau này khi không viết được nữa thì có bạn bè, con cái, học trò sẽ tập hợp lại, in thành một tập gọi là hồi kí vậy. Mình nhớ đâu viết đó, không cần làm văn, thậm chí ngữ pháp cũng không thèm chấp. Viết bất kì chuyện gì chợt nhớ, chợt thấy, chợt ngẫm ra, bất chấp sâu hay nông, thô hay tinh, tục hay thanh. Đọc một vài blog của một vài người nổi tiếng, thấy nói phét nhiều hơn nói thật, loanh quanh để đánh bóng mình, ghét. Mình nghĩ blog là cái để chống stress, tâm sự với đời để giải toả ẩn ức, thế thôi. Vậy việc gì phải nói phét?

VỚI TỐỐHỮU

Nhớ Tố HữuThằng Thiều cũng gặp Tố Hữu loáng thoáng như mình thôi mà viết bài về ông hay quá, không biết nó có bốc phét không mà sâu sắc cảm động thế không biết. Mình cú, định viết bài đấu lại nó, nhưng lại nghĩ xưa ông sống thì không viết, giờ ông chết rồi có viết kiểu gì người ta cũng cho mình nói phét, nên thôi. Nhưng sáng nay tự nhiên muốn viết về ông quá, định bụng 5,6 giờ chiều mới viết blog, nhưng mót viết chịu không nổi. Thế là víêt luôn.Mình có tính cục bộ, phàm ai là người Quảng Bình họăc yêu quí Quảng Bình mình đều quí mến cả. Thời chiến tranh Tố Hữu còn quá người Qúảng Bình, ăn dầm ở dề trong bom đạn với dân Đồng Hới, dân Bảo Ninh có khi cả năm trời. Tiếng là ngựa xe chứ chỉ xe U oat thôi, xe volga đường chiến tranh làm sao đi được. Thứ xe U oat bây giờ có đem cho tụi trẻ chúng nó còn mắng cho. Còn yến tiệc thì nói cho sang, thực ra mấy miếng thịt lợn, bò kho kho xào xào, trẻ con nhà mình dỗ mãi chúng nó mới chịu ăn. Vì thế dù ai nói đông nói tây mình vẫn qúi Tố Hữu như thường. Thời chiến tranh dượng mình ( Cổ Kim Thành) làm chủ tịch tỉnh, một hôm đến nhà dượng chơi thấy một người đang ngồi với dượng nói chuyện gì đó rất hăng. Cả nhà đi lại cứ nem nép. Mình hỏi thằng Vượng ai đó. Nó bảo Tố Hữu. Mình lạnh người, đứng lặng ngắt. Quá vinh hạnh thấy được Tố Hữu bằng xương bằng thịt. Mình đứng nép trong buồng nhìn ra, ngắm ông say sưa cho đến khi ông đi rồi vẫn đứng lặng ngắt. Mình về Ba Đồn khoe gặp Tố Hữu với tụi bạn, bóc phét nói Tố Hữu ôm mình, cho ngồi trên đùi dặn này nọ, tụi bạn ngưỡng mộ mình lắm. Thực ra có gặp cóc khô đâu, chỉ nhìn trộm ông thôi, hi hi. Gần ba chục năm sau về làm báo Văn Nghệ mình mới thực sự gặp ông. Báo Văn nghệ có tục cứ đến 28, 29 tết là tổ chức ăn tết toàn cơ quan. Vị khách số 1 không bao giờ vắng là Tố Hữu, vì ông là sư tổ của báo. Chương trình có 3 phần, năm nào cũng giống năm nào, đầu tiên là nhậu nhẹt, sau đó nghe Tố Hữu nói chuyện, cuối cùng là chơi trò đố vui có thưởng. Hồi đó Tố Hữu đã rời chính trường, nghe nói phụ trách ban chiến lược quốc gia gì đó nhưng thực ra là ngồi chơi xơi nước thôi. Năm đầu tiên mình thấy lạ là hễ Tố Hữu ngồi mâm nào, mấy ông anh trong báo kính cẩn khúm núm nhưng mắt trước mắt sau chuồn đi cả. Hữu Thỉnh chỉ ngồi với ông có 5 phút rồi nhảy đi mâm nọ mâm kia chúc mừng anh em, kì thực là để tránh nói chuyện với ông. Nhìn đi nhìn lại không thấy ai, ông đi đến mâm mình, khi đó cũng chỉ mình và vài người. Mấy người này kính cẩn “dạ anh” rồi cũng lẹ làng biến đi, chỉ còn mình trơ khấc. Ông không hỏi mình tên gì mà hỏi mình quê đâu. Mình nói thưa chú cháu quê Quảng Bình. Mắt ông sáng lên và ông bắt đầu nói. Ông nói nhỏ, đều đêu, hết đông sang tây, hết chuyện Quảng Bình sang chuyện thế sự. Ông nói chuyện thế sự hệt mấy ông hưu trí phường nói chuyện thế sự, đại khái ngày xưa thế này thế kia, bây giờ mấy ông trên kia... ông chỉ ngón tay chỉ chỉ về phía Bắc, lăc đầu, rồi dừng lời. Lúc đầu mình nghe rất hào hứng, dù gì cũng được Tố Hữu cho nói chuyện, nhưng sau ông nói dài quá, lặp nhiều quá, đâm nản. Quanh đi quẩn lại cũng ngày xưa thế này thế kia, bây giờ mấy ông trên kia...Bảo Ninh thấy mình chịu trận, đứng nép ở cửa cười thích chí, dẩu mồm nói thầm: cho mày chết! Cho mày chết! Tức khí mình nhảy ra kéo Bảo Ninh vào, nói: dạ thưa chú đây cũng là nhà văn người Quảng Bình, con bác Hoàng Tuệ. Tố Hữu bắt tay: à, Hoàng Tuệ à! Mình tót lẹ ra cửa đứng nép nhìn Bảo Ninh chịu trận, cười khoái trá. Bảo Ninh khúm núm nghe, à dạ vâng rồi tranh thủ ông không để ý, ngoảnh về phía mình chửi thầm: “ địt mẹ mày” rồi vội vàng ngoảnh lại à dạ vâng bất kể Tố Hữu đang nói gì, có khi ông chưa nói xong câu nó đã à dạ vâng rồi lại ngoảnh về phía mình chửi thầm địt mẹ mày! Nó càng chửi mình càng sướng he he. Mãi sau, nó vừa à dạ vâng vừa chắp tay giấu dưới gầm bàn lạy mình như tế sao, xin mình cứu cho.Cuối cùng mình cũng đi vào nói thưa chú anh Hữu Thỉnh đang đợi chú rồi dìu ông vào phòng Hữu Thỉnh. Hửu Thỉnh đang ngồi đọc cái gì đó, vò đầu bứt tai ( cái anh này lúc đéo nào cũng đọc được, rảnh phút nào là nhảy vào phòng đọc bài ngay), thấy Tố Hữu vào anh vụt đứng dậy reo to: A, anh! Tiếng reo mừng hồ hởi phấn khởi như thấy bố anh từ vạn kiếp trở về. Ôi thiên tài Hữu Thỉnh. Năm sau vẫn vậy, đầu tiên là nhậu nhẹt, sau đó Tố Hữu nói chuỷện, cuối cùng là đố vui có thưởng. Món đố vui có thưởng anh em rất thích, ai cũng muốn mình kiếm được giải thưởng tranh Thành Chương về treo. Nhưng Tố Hữu nói dài quá. Mặc dù Hữu Thỉnh đã nhắc khéo: Anh Tố Hữu đang rất rất bận, anh chỉ nói chuyện với anh em có 10 phút thôi. Nhưng Tố Hữu đâu có thèm chấp, ông chơi cả 100 phút không dừng. Anh em nói chuyện ồn ào như vỡ chợ ông vẫn cứ nói. Trương Vĩnh Tuấn đi vào đi ra mặt nhăn như bị, đã gần 10 h rồi mà còn một tiết mục nữa. Bỗng có ai đó tắt phụt micro, tưởng ông dừng hoá ra ông vẫn không thèm chấp, vẫn cứ nói. Cho đến khi ai đó cúp cầu dao điện, cả toà soạn tối om, ông mời dừng. Hữu Thỉnh đưa ông xuống cầu thang, mình lúc cúc chạy theo sau. Hữu Thỉnh nói tiếc quá anh nói đang hay lại mất điện. Tố Hữu không nói gì, chắc ông cũng biết, vì cả khu Trần Quốc Toản điện đóm vẫn sáng trưng. Thực lòng khi đó mình rất thương ông. Vẫn biết mình đến tuổi như ông thì còn lẩn gấp 10 ông nữa nhưng vẫn thương ông quá. Giá ông đừng làm quan, chỉ làm thơ thì hay biết bao nhiêu


Văn Cao say.

Mình không thân Văn Cao, chơi với anh vừa đủ để cho ạnh nhớ tên.Lần thứ nhất đến với anh Tường, lần thứ hai đến với anh Tạo anh Kha,những lần sau đến thăm anh thì ít công chuyện thì nhiều.Lân nào đến cũng thấy anh ngồi cầm ly rượu ngang miệng như sắpuống, sắp nói. Nhưng anh không uống, không nói, chỉ ngồi yên.Cái tay cầm ly rượu run run, ly rượu lúc nào như ở tình trạng sắp rớt.Một giọt rượu đọng trên râu, y như giọt sương trên lá, luôn luôn là một giọt ấy thôi, lạ lắm.Hỏi gì, câu khó hay dễ, gấp hay không, anh cứ để chén rượu ngang miệng hồi lâu, nhấp một ngụm nói một câu, chỉ một câu ấy thôi không thêm câu thứ hai.Trông cung cách cầm ly rươụ của anh thấy rượu bỗng sang hẳn, quí hẳn. Trong đời thấy có hai người cầm ly rượu sang như vậy đó là anh và Bảo Ninh, không thấy có người thứ 3.Mình nói với anh Đỉnh nhìn anh Văn Cao uống rượu cứ nhớ Lý Bạch. Anh Đỉnh nói mày quen Lý Bạch à, sao bảo giống. Mình cười phì nhưng cứ vẩn vơ sao giống kinh.Hoá ra suýt nữa anh giống Lý Bạch.Anh về Huế chơi, anh em đưa anh đi phá Tam Giang. Ngồi thuyền trên phá uống rượu, ngắm trăng, nhậu những con tôm nướng vừa câu được, anh Văn Cao thích lắm.Mỗi lần anh thích gì biết ngay, mắt anh sáng rực long lanh như người ta đang yêu vậy.Anh Tường được Văn Cao như được tình nhân, nói lia xia, đông tây kim cổ nói hết không cho ai nói. Anh Văn công chỉ ừ ừ, nhấp một ngụm lại ừ.Chị Băng ngồi bên canh chừng anh thỉnh thoảng lại hắt ra một câu uống vừa thôi. Anh lườm chị một cái, nhấp một ngụm lại ừ.Lúc đầu anh còn đế thêm được đôi câu, sau say quá, chỉ ừ không thôi, vai thấp dần xuống, cái ừ cứ hụt hơi dần.Anh Tường không để ý cứ nói, càng nói càng bốc.Chị Băng lại nói uống vừa thôi, anh lại lườm chị, lại uống, lại ừ.Trong khi mình coi anh như thánh thì chị Băng coi anh như thằng con nít, như con chị vậy, lườm lườm nói nói rất sỗ sàngAnh Tường vẫn cứ nói, đến đoạn thơ Lý Bạch, trúng tủ anh, anh nói lia xia.Anh Văn Cao cứ ừ, mỗi lần ừ vai thấp xuống một ít, cái ly rượu trong tay run run đưa đi đưa lại trước miệng anh, anh uống mãi mới được một ngụm.Chị Băng hét lên thôi không uống nữa, anh lườm chị, uống một ngụm lại ừ, coi như chưa nghe chị nói gì.Anh Tường đọc thơ Lý Bạch say sưa.Chị Băng không thôi lườm anh Văn Cao, lại nói uống ít thôi, mặc kệ anh Tường đọc thơ.Anh Văn Cao nuốt ngụm rượu như nuốt hận, ráng sức nói ừ ừ.Chị Băng giật ly rượu trong tay anh hét lên thôi không uống nữa.Vẫn biết chị thương anh thì mới thế, không có chị anh khó sống đến bây giờ, nhưng khi ấy mình tức lắm, giá em út gì cho ngay một tát.Anh Văn cao bị giật ly rượu, ngồi đơ, miệng lẩm bẩm tao chết, tao chết đây. Thình lình anh đổ người ra khỏi thuyền nhào xuống phá. May chụp kịp, hú vía. Phá có chỗ sâu hơn 1 con sào.Sau vụ đó anh ốm, vào viện Trung ương Huế.Chưa thấy khi nào bệnh viên hân hoan khi thấy bệnh nhân vào như trường hợp anh Văn Cao. Họ lo cho anh còn hơn lo cho cha mẹ đẻ.Chị Băng thì đứng ngồi không yên, hết giục người này gọi người kia, rối rít ép anh uống sữa. Anh không uống, cương quyết không uống. Chị Băng phát cuồng, mếu máo đẩy mình vào nói các em làm sao để anh uống chút sữa không anh chết mất.Mình vào, anh kéo áo mình nói rượu sữa... rượu sữa.. Mình thông minh hiểu ý ngay, vọt ra viện mua xị rượu, dấu lưng quần, vào nói chị để em pha sữa cho anh. Mình pha sữa, đổ rượu vào khuấy đều đưa anh uống, anh uống sạch, chị Băng mừng rơn.Từ đó mỗi lần chị Băng pha sữa anh đều gạt đi nói để thằng Lập vào pha, mẹ mày không biết pha đâu, he he.Anh ra viện nhanh chóng, mọi người khen bệnh viện phục vụ tận tình, chị Băng lo cho anh hết sức chu đáo, anh gật đầu xác nhận rồi kéo tay mình, ghé tai nói thầm: Cứt. Nhờ rượu mày đấy.He he.Người từng gặp 2Chuyện chẳng liên quan gì đến cụ, nay nghe tin cụ mất bỗng nhớ đến, lòng chợt buồn hiu hiu.Nói cho oách thì mình đã gặp cụ ba lần.Trước đó chỉ nghe anh Thanh Quế kể chuyện đã cùng tòng quân, cùng vào Nam, cùng ở một đơn vị với con trai cụ mà thôi. Nghe anh kể phục cả cha lẫn con. Cha phục đã đành, con trai cụ thì phục quá, hiếm ai cố nhoài ra khỏi cái bóng của cha mình, cố làm một người lính bình thường cho đến lúc hy sinh.



Lần thứ nhất “gặp” cụ khi cụ vào thăm Quảng Trị, hình như cuối năm 1989. Khi đó mới chia tỉnh, trụ sở uỷ ban tỉnh chỉ là dãy nhà ngói cấp 4. Cụ ngồi với anh Bường chủ tịch tỉnh, đám cán bộ lau nhau như mình ngồi tít ở đằng xa.Anh Bường vui vẻ nói: Tỉnh mới lập, chưa làm được gì. Mong thủ tướng quan tâm cho ít kinh phí làm cái trụ sở uỷ ban, để khi thủ tướng về, được đón thủ tướng cho đàng hoàng, chứ không phải ngồi trong cái nhà như thế này.Cụ cười to nói: Nhưng tôi thích ngồi trong nhà thế này thì sao?Mọi người cười ồ vui vẻ.Mình chỉ nghe cụ nói mỗi câu đó, không nghe câu nào khác hơn, nhưng nhớ mãi.Lân thứ 2 khi ra Hà Nội, thằng N. nói: Tao đi phỏng vấn cụ Kiệt, mày có đi theo không. Tất nhiên là mình đi rồi, bản tính tò mò mà.Thằng N. thì ghê lắm, nó quen hết lượt các ông to, tích trữ một xấp ảnh dày, về quê xoè ra khoe, bà con làng xóm lác mắt.Cụ nghỉ chơi tennis, tiếp thằng N. ngay chỗ giải khát sân tennis. Thằng N, giới thiệu mình với cụ: thằng bạn cháu, thế thôi. Rồi mình ngồi chầu rìa nghe nó phóng vấn cụ.Bụng nghĩ cụ cũng dễ tính thật, nó hỏi toàn câu củ chuối mà cụ vẫn vui vẻ trả lời. Thỉnh thoảng lại cười rất sáng khoái. Thế mới lạ.Lần thứ 3 thì phải kể dài dòng hơn.Năm 1996 mình ra Hà Nội, ra một mình mua nhà trước rồi đem vợ con ra sau. Mua xong nhà, phải sửa tí chút, đêm nằm một mình buồn buồn, hai giờ sáng vùng dậy viết đến sáng xong truyện ngắn Chuyện không có trong sự thật.Viết xong ném đấy, bụng nghĩ chẳng ai thèm đăng đâu. Chẳng ngờ anh Đỉnh đến chơi, đọc, khen hay nói: để tao đem về đăng Văn nghệ quân đội.Truyện đăng số tháng 7/ 1996 ( hay 97 gì đấy). Đến Văn nghệ quân đội, ai cũng khen, có người còn nói: thế giới cũng đến thế thôi.Một tháng sau bỗng ồn ào nhặng cả lên, người bảo sĩ nhục con người, ngườì bảo sĩ nhục ngành giáo dục, người bảo nói xấu cụ Kiệt.Anh Huân, anh Đỉnh lo bạc mặtMình ngơ ra, mấy cái thứ sĩ nhục này nọ thì mình đã quen lối phê bình suy diễn ngu xuẩn không nói làm gì. Nhưng nói xấu cụ Kiệt thì lạ quá. Chuyện mình có liên quan gì đến cụ đâu?Hoá ra nghe nói trong truyện mình có con chó tên Ki mà nhà cụ cũng có con chó tên như thế.Khổ. Nào có biết chó mèo nhà cụ ngang dọc ra sao.Nhiều người rỉ tai nói cụ Kiệt đọc rồi, tức lắm. Cụ gọi điện cho cụ Phiêu, cụ Phiêu gọi điện cho tổng cục làm cho ra lẽ.Chẳng có ai hỏi mình một câu, chỉ nghe ồn thế thôi. Mình chẳng sợ, trên răng dưới ca tút sợ gì, chỉ thương anh Huân, anh Đỉnh vì chuyện của mình vất vả tất tả ngược xuôi.Chuyện rồi cũng qua, anh Huân anh Đỉnh bị treo sao vài năm rồi cũng đâu vào đấy.Mình chỉ biết qua vụ này ở Văn nghệ quân đội thời đó, trừ anh Huân anh Đỉnh không nói làm gì, chỉ có thằng Khoa là trước sau như một, còn lại là một bọn tiểu nhân, tiền hậu bất nhất.Hai năm sau vào quán cà phê phố gì gần phố hàng Bông không nhớ nữa. Anh Q. gặp mình nói mày vào đây anh bảo. Mình theo anh vào phòng trong bỗng sững sờ gặp cụ.Anh Q. nói thằng em họ em đó anh. Nó viết cái truyện Chuyện không có trong sự thật không phải nó xâú anh đâu. Em muốn gọi nó vào để nó nói cho anh hỉểu, thông cảm cho nó.Cụ ngơ ra: chuyện gì? Mình có nghe bao giờ đâu? Anh Q. nói thế không ai nói với anh cả à. Cụ nói không.Hu hu.



Thế mới biết miệng lưỡi thế gian, giết người không dao là thế nào.Người từng gặp 3 Những năm 1965- 1975 nhà mình sơ tán ở làng Đông Dương, cách Thị Trấn Ba Đồn có chục cây. Một cái làng rất hay, y như một mảnh đất Nam Bộ rơi xuống vậy, có hoa mai vàng, có rặng trâm bầu sau làng, còn tôm cá thì ê hề, vẫn có câu: Cơm Tô Xá, cá Đông Dương.Chuyện làng Đông Dương thì nhỉều lắm, sau này từ từ sẽ kể.Bây giờ kể chuyện anh Đ. thôi, vì anh này hay nhất trong kí ức của mình về cái làng này.Anh Đ. lùn, đen, xấu. Anh Diệu nói cái mặt thằng Đ. chành bành giống cái l. trâu.Anh Đ. sống với mẹ già, sau mẹ chết anh ở một mình. Nhà nghèo quá, 24, 25 tuổi rồi hỏi cô nào cũng bị chê.Anh con liệt sĩ, lại con một, khỏi đi bộ đội. Con trai trong làng ai lớn đều đi bộ đội hết, còn lại dăm ba anh tuổi như anh thôi, chỉ có anh là chưa vợ.Mẹ anh khóc lên khóc xuống , anh vẫn chẳng quan tâm đến chuyện vợ con. Cho đến khi mẹ anh chết anh vẫn độc thân.Mình hỏi anh sao anh không lấy vợ. Anh nói tao để vậy để đàn bà nó thèm.Anh nơm cá cực tài, cầm nơm úp nhoay nhoáy, hễ dừng lại mò là y như có một con cá to. Nghe tiếng đóng thành nơm, anh biết chắc cá nhỏ hay to, ngon hay dở để dừng lại bắt hay không. Chẳng bù cho mình, úp úp mò mò, tóm lại chỉ vài con cá diếc, cá rô.Một lần úp nơm, bao giờ xâu cá của anh cũng dài nhất, đầy những con cá ngon, đắt tiền.Mình dân Thị Trấn lên, thấy thế thì thích lắm, bám theo anh suốt ngày.Anh chỉ làm hai việc: đi đập lúa thuê và nơm cá bán lấy tiền.Cứ mùa lúa là anh đi đập lúa cho các gia đình có chồng con đi bộ đội, một đêm đập lúa được trả vài lon gạo. Thế cũng đủ sống, lại được tiếng giúp đỡ gia đình bộ đội.Anh không đoàn đội. Hồi này ai không đoàn đội bị coi như thanh niên chậm tiến, con gái vì thế bụng thì chê nghèo nhưng miệng lại có cớ chê anh chậm tiến.Hồi này ai bị chê chậm tiến thì sốt ruột lắm, phấn đấu như điên, anh tỉnh bơ, không quan tâm.Hội họp cuộc nào anh cũng đến nhưng chỉ đứng sau nghe. Thanh niên làng tranh nhau lên nói toàn từ sáo rỗng- lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v.. Anh cười hậc, é he một tiếng to rồi phủi đít quần ra về.Hôm sau họp anh lại đến, lại đứng sau, lại nghe lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v.. Anh lại cười hậc, é he một tiếng, phủi đít quần ra về.Luôn luôn như thế.Anh Cư gặp mình nói Lập ngoan, học giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, đừng quan hệ với thanh niên chậm tiến.Mình dạ dạ nhưng vẫn chơi với anh Đ. như thường.Đêm nào cũng vậy, con trai lớn chút trong làng đều đi đặt túm bẫy lươn, câu cá cặm. Đặt đầu hôm, bá bốn giờ sáng thì đi thăm.Một đêm mình đi thăm túm lươn, hôm đó được nhiều, hơn chục con, mừng lắm hí hửng xách oi về thì gặp anh Đ. đi từ nhà chị Th. ra. Mình hỏi anh đi đâu, anh nói không.Minh thấy anh mặc cái áo bộ đội dài gần đến gối ( anh lùn mà). Nghi nghi, mình kéo vạt áo anh lên, chim cò phơi ra cả, hoá ra anh không mặc quần. Mình ngạc nhiên nói sao vào nhà người ta lại không mặc quần, anh cười phì một tiếng rồi bỏ đi.Nhà chị Th. một mẹ một con, chồng đi bộ đội, thằng cu con chị mới hơn 4 tuổi. Mình nghi lắm.Mình lẻn theo anh Đ.Anh Đ. lại vào nhà chị H. Chị H. có chồng hy sinh, vừa báo tử năm ngoái. Chị vẫn say sưa sinh hoạt đoàn, biến đau thương thành hành động cách mạng, hăng hái phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v. Bà con làng xóm khen lắm, vẫn nói với con gái con dâu: đó, sang nhà con H. mà coi.Mình vào sau hồi nhà chị H. Tối quá không thấy gì, chỉ nghe chị kêu hệt như mèo kêu.Mình chặn anh Đ. ở cổng nhà chị H. nói em biết rồi nha. Anh Đ. túm cổ áo mình nói mày nói tao giết.Về sau, lần nào đi nơm anh vừa nơm suất của anh, vừa nơm suất của mình. Mạ mình toàn khen thằng Lập dạo này nơm cá giỏi. Hi hi.Làng Đông Dương có chừng 4-5 trăm nóc nhà, hơn 1 trăm nóc là nhà hoặc là vợ bộ đội hoặc là vợ liệt sĩ. Không biết anh Đ. chui vào bao nhiêu nhà trong số 100 nóc nhà ấy, chỉ biết suốt cuộc chiến tranh 1965-1975, tối nào cứ đến 3-4 giờ sáng anh Đ. lại mặc cái áo bộ đội dài đến đầu gối, không thèm mặc quần, đi hết nhà này đến nhà kia, 5 giờ sáng thì về.Mình hỏi sao anh không mặc quần. Anh nói mặc mần chi, cởi vô cởi ra mệt.Hoà bình, anh Đ. hơn ba chục tuôỉ vẫn chưa vợ.Một hôm làng tổ chức tuyên dương các mẹ các chị là vợ con bộ đội chung thuỷ đảm đang. Các mẹ các chị sắp hàng dài nhận phần thưởng, nhận giấy khen, mặt ai nấy hớn hở.Anh Đ. cũng đến, đứng sau cùng, nghe chị H. đại diện phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, thi đua, quyết tâm, căm thù, phấn đấu.v.v Anh Đ. cười hậc, é he một tiếng to rồi phủi đít quần ra về(theo blog Nguyễn Quang Lập)

Không có nhận xét nào: